2 năm qua, điểm trường thôn Văn Tứ thuộc trường mầm non Đồng Khê, xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái có một học sinh đặc biệt. Dù bị khuyết tật bẩm sinh, chân tay co quắp và không thể bước đi bình thường như bạn bè cùng trang lứa, nhưng cậu bé ấy lại rất sáng trí, sáng dạ và cũng rất ham học. Đó là bé Hà Bảo Khanh.

Từ khi sinh ra, bé Bảo Khanh đã mắc chứng bệnh bại não, chậm phát triển thần kinh vận động. Thân thể không vẹn toàn như người khác, mỗi lần tập đi, Khanh chỉ được khoảng 5, 6 bước là ngã xụp xuống. Đầu gối, khủy tay của cậu bé mới 5 tuổi đập xuống sàn nhà hẳn là đau lắm. Những đứa trẻ khác có khi đã khóc toáng lên để bố mẹ, ông bà đến dỗ dành. Còn bé Khanh thì vẫn gắng gượng đứng dậy, tiếp tục bước về phía trước. Khao khát bước được từng chút từng chút một ánh lên trong đôi mắt thơ ngây của Bảo Khanh, vì sang năm sau, em vẫn muốn đến trường, được vào lớp một như bao bạn bè khác.

Cô giáo Trần Ngọc Hà, giáo viên điểm trường Văn Tứ, thuộc trường mầm non Đồng Khê, người trực tiếp chăm sóc, dạy dỗ cháu bé hơn hai năm nay cho biết: “Cháu Bảo Khanh bị khuyết tật, gia đình khó khăn. Sau một thời gian chăm sóc cháu thì thấy là cháu là một học sinh rất nghị lực, cố gắng đến lớp. Các cháu khuyết tật này thì đương chăm sóc vất vả hơn các cháu bình thường. Nhưng riêng cháu Bảo Khanh rất là biết ý. Cháu đã tự biết chăm sóc bản thân mình. Các cô không phải chăm sóc khâu vệ sinh hay ăn uống gì. Thậm chí, rất là thương cháu vì cháu không đi vệ sinh nặng hay nhẹ trên lớp”.

Nhớ những ngày đầu đón Bảo Khanh đến trường, vào giờ chơi, giờ thể dục, Bảo Khanh chỉ có thể ngồi một chỗ nhìn những đứa trẻ khác chạy nhảy nô đùa. Thế rồi, bằng nghị lực thần kỳ, tự Bảo Khanh vịn ghế đứng lên, rồi bước những bước đi đầu tiên. Thần kỳ hơn nữa là, trái ngược với thể chất khiếm khuyết, Bảo Khanh rất thông minh. Bé tiếp thu những kiến thức đầu tiên nhanh hơn nhiều trẻ cùng lớp.

“Thật sự rất là ngạc nhiên. Khi mà tiếp nhận cháu là học sinh khuyết tật thì cũng chỉ nghĩ là đến tuổi thì cháu phải ra lớp, học hết bậc mầm non thì thôi. Nhưng mà trong quá trình học, cháu tiếp thu rất là tốt. Năm ngoái đi học, cháu mới 4 tuổi nhưng đã thuộc 29 chữ cái. Toán thì như các chú thấy thì cháu đã đếm được đến 60 rồi. Nếu không mệt chắc cháu đếm được đến 100 đấy. Các bài thơ, bài hát cháu cũng thuộc rất tốt. Năm nay là năm cuối của cháu ở bậc mầm non. Nếu như phải dừng việc học của cháu ở đây thì rất đáng tiếc, vì nghị lực và nhận thức của cháu không giống như căn bệnh mà cháu hứng chịu”- Cô Hà tâm sự.

Như cô giáo Hà chia sẻ, cơ hội để Bảo Khanh bước vào bậc tiểu học là rất mong manh. Không chỉ vì những hạn chế về vận động, mà còn vì gia đình bé rất nghèo. Căn nhà Bảo Khanh đang ở là một căn nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày, xây cách đây hơn 20 năm, hiện đã rất cũ kỹ và sập sệ. Nói đúng hơn, đây là nhà của ông bà nội của Bảo Khanh. Bố mẹ của bé là anh Hà Văn Ngoạn và chị Hoàng Thị Mứt đã phải bán nhà từ cách đây 3 năm để đưa con về bệnh viện Nhi Trung ương chữa trị. Không chỉ nhà, mà cả con trâu và hầu hết những tài sản giá trị khác, anh chị cũng đã bán hết. Ông bà nội của Bảo Khanh, tuổi đã ngoài 60, vẫn phải đi làm thuê, phụ vữa. Anh Ngoạn đi làm xưởng mộc, để chị Mứt ở nhà, vừa chăm con vừa lo ruộng vườn. Toàn bộ thu nhập đều dồn vào mua thuốc và cho Bảo Khanh tập phục hồi vận động, chỉ mong con có thể tự bước đi, tiếp tục con đường học tập.

Hôm tiếp đón chúng tôi, mẹ cháu Khanh, chị Hoàng Thị Mứt vừa lau nước mắt vừa kể “Cháu được điều trị và được đi tập thì cũng cải thiện rất nhiều. Em mong muốn tiếp tục để cho cháu điều trị, được đến trường như các bạn. Em thấy con mình không được như các bạn, rất thiệt thòi. Vì vậy mà em cố gắng xin ban giám hiệu để cháu được đến trường”.

Còn anh Hà Văn Ngoạn, cũng giống bao ông bố khác, thật đau lòng khi nhìn thấy con trai bé bỏng có cơ thể không lành lặn. Anh đã dốc hết sức để kiếm tiền chạy chữa cho bé, nhưng trình độ không có, anh chỉ có thể làm những công việc phổ thông như phụ hồ, làm mộc: “Em cũng đi làm, ông bà cũng đi làm, mua thuốc tích góp cho cháu, mong cháu biết đi. Gia đình cũng đi mua thuốc cho. Mỗi lần đi mua hết 3 triệu rưỡi. Bác sĩ bảo là nếu gia đình có điều kiện điều trị thì cháu có thể biết đi. Nhưng mà gia đình không có điều kiện để theo”.

Kinh tế gia đình Bảo Khanh cứ kiệt quệ dần sau những lần về Hà Nội tập phục hồi vận động. Nửa đầu năm vừa rồi, vì đại dịch Covid-19, thu nhập từ những công việc làm thuê cũng phập phù và eo hẹp hẳn đi. Cũng vì thế mà Bảo Khanh phải dừng điều trị thuốc gần 1 năm nay. Thời gian này, ông bà nội của bé đã phải xuống Hà Nội, tiếp tục tìm việc làm. Anh Hà Văn Ngoạn lại cặm cụi ở xưởng mộc, mong chắt chiu thêm một khoản cho Bảo Khanh tiếp tục chạy chữa, nhưng có lẽ sẽ còn lâu lắm mới đủ. Vì nếu đi xuống Hà Nội, tiền điều trị, tiền sinh hoạt cũng tốn kém 200.000-300.000 đồng/ngày.

Chứng bệnh chậm phát triển thần kinh vận động khiến chân tay Bảo Khanh co quắp, đi lại khó khăn, nhưng không ảnh hưởng đến trí tuệ của cháu. Bảo Khanh vẫn rất thông minh và vẫn có thể thực hiện ước mơ trong cuộc đời./.

Chúng tôi rất hi vọng thính giả Kết Nối 54 có thể chung tay, quyên góp một số tiền khoảng 20-30 triệu đồng để Bảo Khanh được trở lại viện điều trị càng sớm càng tốt. Biết đâu, cháu sẽ kịp phục hồi để năm sau bước vào lớp 1.  Nhà vật lý Stephen Hawking nổi tiếng thế giới là một người mắc chứng xơ cứng teo cơ, cả đời gắn liền với xe lăn. Nhà diễn thuyết truyền cảm hứng người Úc – Nick Vujicic, khi sinh ra còn không có tay chân. Ở Việt Nam, có Hiệp sĩ công nghệ thông tin – Nguyễn Công Hùng, hay Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty CP Đào tạo Tỏa sáng – Nguyễn Sơn Lâm cũng đều là những người khuyến tật. Những kỳ tích ấy, hoàn toàn có thể lặp lại ở cậu bé Hà Bảo Khanh, nếu có một cơ hội được trao đến cho cháu và gia đình.

Hoặc bạn có thể chuyển tiền qua tài khoản của chương trình Kết nối 54 Ban dân tộc VOV4. Số TK: 004704063336666.Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam-VIB, chi nhánh Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Khi gửi tiền xin bạn lưu ý ghi rõ phần nội dung: Tên, địa chỉ, số điện thoại để chương trình phản hồi kết quả giúp đỡ cháu Hà Bảo Khanh.

Số điện thoại Kết nối 54- 02438255667 luôn có biên tập viên trực sẵn để kết nối quý vị thính giả với gia đình bé Bảo Khanh./.