Những ngày đầu tháng 8 Âm lịch, khi Tết Trung thu đang tới gần, khắp phố phường tràn ngập các đồ chơi với nhiều mẫu mã bắt mắt, thu hút giới trẻ, thì trong con phố cổ của Hà Nội, vẫn có cặp nghệ nhân già ngày ngày miệt mài tạo ra những chiếc mặt nạ giấy bồi như đang cố lưu giữ lại hồn cốt của Tết Trung thu truyền thống xưa.

vov_lan_midm.jpg
Nghệ nhân Đặng Hương Lan xếp những chiếc mặt nạ thành phẩm.

Tại căn nhà nhỏ chỉ hơn 15m2 ở phố Hàng Than (Hoàn Kiếm, Hà Nội), vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa (64 tuổi) và bà Đặng Hương Lan (60 tuổi), đang tất bật phơi, vẽ những chiếc mặt nạ giấy bồi để kịp phục vụ dịp Tết Trung thu.

Khắp hành lang của căn gác xép nhỏ được phơi kín những chiếc mặt nạ còn dang dở và cả những chiếc đã thành phẩm, chỉ đợi khô để đem đến tay người chơi.

Vừa tô những chiếc mặt nạ đang vẽ dở, bà Đặng Lan Hương vừa kể, ngay từ ngày còn nhỏ đã được gia đình truyền dạy cho nghề làm mặt nạ giấy bồi. Đến sau này, khi lấy chồng, bà vẫn tiếp tục làm công việc này.

Đến nay, bà Lan đã có tới gần gần 50 năm gắn bó với từng mảnh giấy bồi, con mực nét vẽ. Theo nghề gia truyền nhà ngoại, ông Hòa, chồng bà Lan cũng đã có hơn 30 năm làm mặt nạ giấy bồi.

Theo nghệ nhân Đặng Lan Hương, làm mặt nạ giấy bồi không quá khó, nhưng không phải ai cũng làm được, bởi nó đòi hỏi sự khéo léo, tỷ mỉ, từng nét vẽ cũng phải thồi hồn cho nhân vật.

Nghệ nhân cho biết, đến nay, gia đình bà còn lưu giữ và làm mới được 22 chiếc khuôn đúc bằng xi măng với đủ các hình mẫu từ truyền thống đến hiện đại như Trư Bát Giới, Ông Địa, chú tễu, Chí Phèo, Thị Nở, Tôn Ngộ Không, đến hình thổ dân da đỏ, thủy thủ….

Nguyên liệu làm mặt nạ hoàn toàn tự nhiên. 

Trông sống động và thần thái là thế, nhưng những chiếc mặt nạ giấy bồi lại được tạo ra từ những chất liệu hoàn toàn từ thiên nhiên, gần gũi như giấy bìa xé nhỏ, giấy trắng, bột sắn.

Để làm ra 1 chiếc mặt nạ giấy bồi phải qua nhiều công đoạn. 

Bà Hương cho biết, để làm ra chiếc mặt nạ này, phải đặt chất lượng lên hàng đầu, nếu làm nhanh, làm ẩu, nét mặt của nhân vật sẽ nhăn nhó, không còn cái hồn vốn có.

Để làm ra một chiếc mặt nạ trải qua nhiều công đoạn từ chọn sắn để nấu hồ, phải là loại sắn to, nhiều bột, khi nấu lên mới có độ dính tốt. Giấy báo, bìa xé nhỏ được xếp chồng 5-6 lớp vào khuôn để đúc tạo hình, khi phôi cứng, mới đem phơi khô rồi tiến hành vẽ.

Theo nghệ nhân Lan Hương, mỗi ngày, 2 vợ chồng bà vẽ được khoảng 15-20 chiếc mặt nạ. Kỳ công là thế, nhưng mỗi chiếc mặt nạ mang thương hiệu của gia đình bà đã xây dựng cả nửa thế kỷ qua cũng chỉ bán ra với giá từ 30-50.000 đồng.

Lo nghề mai một

Giống như bao nghề truyền thống khác, những chiếc mặt nạ giấy bồi cũng đã trải qua những thăng trầm trước cơn bão kinh tế thị trường để tồn tại cho đến ngày nay.

Đó không chỉ là câu chuyện của những chiếc mặt nạ, mà còn là chuyện về hành trình gìn giữ các giá trị văn hóa đất Kinh kỳ của những người làm nghề.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa cho biết, hiện nay ở Hà Nội chỉ còn mình vợ chồng ông còn lưu giữ nghề vẽ mặt nạ giấy bồi.

Theo nghệ nhân Đặng Lan Hương, cũng đã có những thời kỳ, nghề làm đồ chơi dân gian phát triển hưng thịnh: “Thời chúng tôi, mỗi dịp Tết Trung thu,  trẻ con nhà nào cũng háo hức được bố mẹ mua cho chiếc mặt nạ giấy bồi, đèn ông sao hay đèn kéo quân đi rước. Chỉ cuối tháng 7 âm lịch, khắp phố phường Hà Nội, đặc biệt là phố Hàng Mã, lấn sang cả Hàng Lược đều bày bán đủ loại mặt nạ truyền thống”.

Thế nhưng khi xã hội dần phát triển, đủ loại đồ chơi Trung Quốc nhập về, những món đồ chơi dân gian cũng dần bị lãng quên.

Khi nhu cầu của thị trường giảm mạnh, giá thành rẻ, nhiều gia đình đã phải bỏ nghề để tìm kiếm những công việc mưu sinh khác.

Bỏ mặc bao biến động của phố nghề, trong căn nhà tập thể nhỏ ở phố Hàng Than, bao năm qua, vợ chồng bà Hương vẫn âm thầm, miệt mài giữ lửa với nghề làm đồ chơi truyền thống.

Bà Hương bộc bạch: “Nghề này với tôi như nghiệp đã gắn vào, nên không phải muốn bỏ là bỏ được. Nhưng nếu không có cái tâm với nghề, có lẽ cũng khó giữ được nghề trước những bộn bề cuộc sống”.

“Gái có công, chồng không phụ” – nghệ nhân già hồ hởi khi nói, khi những năm gần đây, thay vì chơi những món đồ xanh đỏ nhập từ Trung Quốc chưa rõ nguồn gốc, người dân thủ đô đang dần quay về với những món đồ chơi dân gian truyền thống.

Không cần mang ra tận Hàng Mã để bán, hàng ngày những khách hàng yêu mến món đồ chơi này vẫn tìm đến tận căn nhà trên phố hàng Than để vừa mua, vừa trải nghiệm làm mặt nạ cùng nghệ nhân.

Vào chính dịp Trung thu, số lượng mặt nạ gia đình bà Lan- ông Hòa bán ra có khi lên đến hàng chục nghìn chiếc. Vui đấy, nhưng bao năm qua, vợ chồng nghệ nhân già vẫn không khỏi lo lắng trước nguy cơ mai một của nghề truyền thống.

Thời điểm này khi mặt nạ bán chạy, không ít người làm những chiếc mặt nạ kém chất lượng, bán giá rẻ, nhưng lại đóng “mác’ mặt nạ giấy bồi ông Hòa bà Lan.

Bà Lan cho biết, bà sẵn sàng truyền dạy nghề cho những ai thực sự đam mê với mặt nạ giấy bồi để lưu giữ lại những giá trị văn hóa truyền thống./.