Nhằm chia sẻ những khó khăn này, thành phố Cần Thơ xác định quyết tâm hỗ trợ lao động nghèo ổn định cuộc sống. 

Bà Lê Thị Muôn, ở phường An Bình, quận Ninh Kiều, làm nghề bán hàng rong đã hơn 30 năm nay. Bà Muôn nhớ lại, lúc dịch bệnh Covid -19 mới xuất hiện, Cần Thơ cũng như các địa phương khác trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội. Bản thân bà cũng phải chấp hành Chỉ thị nên phải ngưng việc buôn bán của mình. Bà Muôn kể tiếp, gia đình vốn nghèo khó nay dịch bệnh càng vất vả hơn.

Trước đây, buôn bán cũng thuận lợi, thu nhập cũng tạm ổn để trang trải cho cuộc sống nhưng từ khi có dịch bệnh mọi thứ trở nên khó khăn hơn. Thậm chí thời điểm thất nghiệp, bà phải chạy mượn đỡ tiền để lo cho bữa ăn, những chi tiêu cần thiết của gia đình và mãi đến bây giờ, bà chưa tìm đủ số tiền trả nợ cho những ngày dài thất nghiệp do Covid - 19.

“Dạo này toàn ăn mì, vì không có việc và làm ra tiền. Bán hành thì lúc đó ta không cho bán phải nghỉ; mà lúc đó cũng được các nhà hảo tâm cho gạo, ăn ít lắm. Ông xã ở nhà cũng làm nghề đốn cây mà giờ cũng thất nghiệp lúc này không ai thuê mướn thất nghiệp toàn bộ. Ở nhà nuôi thêm đứa cháu nội, trước đây cũng lo cho cháu nó học đến lớp 4, không có tiền nên cháu cũng ra bán vé số kiếm tiền phụ thêm. Nói chung lúc trước cháu nội bán vé số cũng được khá nhưng từ khi có dịch đến nay bán ế lắm. Nhà cũng có làm thủ tục để được nhận hỗ trợ trong đợt dịch nhưng đợi ngày lãnh tiền đến giờ chưa có” , bà Muôn nói.

Theo rà soát của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, tính đến cuối tháng 8, toàn thành phố đã chi hỗ trợ cho hơn 85 ngàn người thuộc các nhóm 5, 6 và 7; tức là thuộc các đối tượng người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng xã hội với tổng kinh phí là hơn 94 tỷ đồng. Tuy nhiên, với những lí do khách quan lẫn chủ quan, gói hỗ trợ 62.000 tỷ của Chính phủ được triển khai khá chậm so với với tiến độ.

Liên quan đến việc chậm trễ trong chi trả hỗ trợ, ông Châu Hồng Thái – Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã thành phố Cần Thơ cho biết, trước đây việc xác định tiêu chí không có thu nhập hoặc thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo không được hướng dẫn cụ thể nên cán bộ xã phường còn lúng túng dẫn đến mất nhiều thời gian trong việc thẩm định xác nhận. Kế tiếp là người lao động có nơi thường trú và tạm trú ở 2 địa phương khác nhau nên đòi hỏi phải có xác nhận của UBND xã, điều này cũng ảnh hưởng đến thời gian chung. Ngoài ra, sai sót của các quận huyện trong việc lập hồ sơ kéo dài lập đi lập lại như: Sai số CMND, không có ngày tháng năm sinh… có hồ sơ phải trả lại từ 1 đến 4 lần để điều chỉnh. Ông Thái cho biết.

“Để đẩy nhanh tiến độ Sở cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, đồng thời tham mưu UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo về việc đôn đốc thực hiện Nghị quyết số 42 và quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, công tác xúc tiến việc thẩm định hồ sơ để hoàn tất chi trả cho các nhóm còn lại, thành phố Cần Thơ lập các nhóm Zalo với thành viên và lãnh đạo UBND TP, VP UBND TP, sở, quận huyện và công chức phụ trách thực hiện nghị quyết 42 để kịp thời trao đổi thông tin một cách nhanh nhất trong quá trình thực hiện. Và việc này kết thúc trong tháng 8”, ông Thái cho hay.

Hiện, thành phố Cần Thơ đang quyết tâm đẩy nhanh công tác này, dù muộn nhưng vẫn phải chặt chẽ, không để xảy ra tiêu cực và không đúng đối tượng. Bà Võ Thị Hồng Ánh - Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, đề nghị, đẩy nhanh tiến độ phối hợp thuận lợi và nhanh nhất không để kéo dài.

“Tôi có nói là nếu còn hồ sơ là chúng ta vẫn tiếp tục nhận chứ không có nghĩa là trình rồi chúng ta không nhận nữa. Trên địa bàn cứ còn hồ sơ nộp là chúng ta tiếp tục nhận và đi xác minh ngay. Còn hồ sơ chưa xác minh cứ tiếp tục xác minh còn hồ sơ nào xác minh rồi thì tổng hợp theo ngày trình lên, trình lên lúc nào thì UB phê duyệt lúc đó”,  bà Võ Thị Hồng Ánh khẳng định.

Xác định công tác chi trả gói 62 ngàn tỉ của chính phủ có tính nhân văn sâu sắc, có tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh kế và tinh thần của nhân dân, thành phố Cần Thơ đã và đang quyết tâm cùng các ngành các cấp sẽ hoàn tất việc chi trả cho những đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid 19, dù có muộn nhưng việc chi hỗ trợ phải được thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả và bảo đảm chính sách an sinh xã hội, chăm lo tốt đời sống của nhân dân./.