Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, như giảm nghèo và xóa bỏ chênh lệch giới tính trong giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Bình đẳng giới không chỉ là vấn đề đòi hỏi sự đối xử công bằng và tôn trọng những quyền nhân quyền cơ bản, mà còn là sự tiến bộ của xã hội và có ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực khác như tăng trưởng kinh tế, y tế, giáo dục, chống phân biệt đối xử và chăm sóc trẻ em.
Tuy nhiên, công tác bình đẳng giới ở Việt Nam vẫn còn những thách thức nhất định, như tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái chưa giảm và có chiều hướng diễn biến phức tạp, chỉ số chênh lệch giới tính khi sinh tiếp tục tăng và tiềm ẩn nhiều vấn đề xã hội liên quan, khoảng cách giới trong thu nhập chưa được cải thiện rõ rệt; ở một số vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, phụ nữ còn bị ràng buộc bởi phong tục tập quán lạc hậu; việc triển khai quy định lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên thực tế còn khó khăn và chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội – bà Phạm Thị Hải Chuyền đối thoại cùng báo giới nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2014 |
Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm nay, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội – bà Phạm Thị Hải Chuyền, có buổi đối thoại ngắn với báo giới về thực hiện vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam.
PV: Thưa Bộ trưởng, chúng ta đã có Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, vấn đề bình đẳng giới vẫn đưa đi vào thực chất ở nước ta và bạo lực gia đình còn là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Thời gian tới, cần có những giải pháp gì để đưa những luật này vào cuộc sống một cách thiết thực nhất?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền:Đúng là chúng ta đã có Luật về Bình đẳng giới và Phòng chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, việc triển khai luật đến việc thực hiện cụ thể ở từng địa phương và từng đối tượng cụ thể còn có khoảng cách. Trên cơ sở luật, Chính phủ đã ban hành nghị định, đồng thời, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có thông tư hướng dẫn về lĩnh vực này.
Trên thực tế, quá trình để chuyển biến được nhận thức, hiểu được trách nhiệm, quyền hạn của các cấp chính quyền và của người dân, đặc biệt của giới mình, về bình đẳng giới cần có khoảng thời gian nhất định. Theo đó, công tác tuyên truyền để mọi người hiểu được quyền lợi và trách nhiệm của mình về vấn đề này còn có hạn chế.
Đối với Luật Phòng chống bạo lực gia đình cũng vậy, giống như các luật khác, sau khi được Quốc hội ban hành, đã có những văn bản hướng dẫn rất cụ thể. Song để thực hiện luật, cần phải chuyển biến được nhận thức từ phía xã hội, đối tượng cụ thể. Đây là một trong các nguyên nhân khiến các văn bản pháp luật đi vào cuộc sống chưa có hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, có những vấn đề liên quan đến nguồn lực và cơ chế thực hiện. Trong các chương trình thực hiện mục tiêu về bình đẳng giới, có những vấn đề về chúng ta phải tiếp tục bổ sung thêm để thực hiện những nội dung, yêu cầu của từng mục tiêu về bình đẳng giới.
Tôi nhận thấy trách nhiệm của người đứng đầu ở mỗi cơ quan, đơn vị hết sức quan trọng. Từ nhận thức của mình, họ cần có những kế hoạch hành động cụ thể để tổ chức triển khai ở đơn vị mình về 2 lĩnh vực này như thế nào. Ở một số địa phương, vấn đề này hiệu quả triển khai còn chưa cao.
PV: Thưa Bộ trưởng, việc tổ chức triển khai Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình dường như vẫn dừng lại ở việc tuyên truyền, mà chưa có biện pháp mạnh, trong khi đối tượng vi phạm rất công khai và ngày càng nhiều, phức tạp. Bộ trưởng có giải pháp gì trong thời gian tới?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Đúng như dư luận phản ánh, có rất nhiều tổ chức, cá nhân có những sai phạm về vấn đề bình đẳng giới. Với trách nhiệm quản lý Nhà nước, tôi thấy bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, rất cần có những biện pháp mạnh để nghiêm trị những tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định và các chính sách pháp luật về bình đẳng giới đã được ban hành.
PV: Hoàn thành Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ về vấn đề bình đẳng giới có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền:Mục tiêu chúng ta đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về bình đẳng giới có ý nghĩa hết sức to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như trong đảm bảo quyền của phụ nữ.
Khi chúng ta đạt được mục tiêu này sẽ nâng cao vị thế của chị em phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực. Từ tham mưu hoạch định chính sách, đến triển khai tổ chức thực hiện chính sách, khi có tiếng nói của phụ nữ thì chính sách đó sẽ tốt hơn.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho chị em phụ nữ cống hiến nhiều hơn trong từng góc độ mình được tham gia. Những cống hiến đó góp phần quan trọng thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết các tệ nạn xã hội./.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng./.