Hôm nay (7/1), Chính phủ và nhân dân Campuchia kỷ niệm 38 năm chiến thắng Khmer Đỏ, lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot. Chiến thắng này không chỉ đem lại hoà bình cho đất nước Campuchia mà còn cả một dải dài biên giới với Việt Nam. Vùng biên giới giữa hai nước trở nên hoà bình, người dân hai nước phát triển nhiều mối quan hệ về kinh tế-văn hoá, khẳng định tình đoàn kết, hữu nghị trong sáng.
Làng Klong nằm sát bên dòng sông Pô Kô, thuộc địa phận xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, với đa số người dân có gốc gác từ xã Nhang, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia. Người lớn tuổi trong làng vẫn chưa hết những cơn ác mộng diệt chủng gần 40 năm trước.
Dân làng Klong và các chiến sĩ Biên phòng |
Để thoát khỏi thảm hoạ ấy, bà con bồng bế theo trẻ thơ, rời bỏ quê hương, chạy trốn về phía đông. Sau chuỗi ngày gian nan, bà con làng Klong đến được xã Ia O (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), được bộ đội và nhân dân Việt nam cưu mang. Đồng bào các dân tộc trên vùng biên giới Ia O coi những người gốc Campuchia là anh em, sống đoàn kết, gắn bó, tận tình giúp đỡ và chia sẻ từng hạt muối, hạt ngô, củ sắn. Dân làng Klong định cư ở xã Ia O từ đấy và giữ nguyên tên làng cho đến ngày nay.
Già làng Rơ Châm Loăk, làng Klong, nói: “Hồi đó, ai ở lại Campuchia đều bị Khmer Đỏ, bị Pol Pot sát hại nên bà con phải tìm cách chạy trốn. May được quân dân Việt Cam cứu giúp, dân làng mình mới có đường sống. Mấy chục năm nay, bà con mình sống đoàn kết, gắn bó trên mảnh đất Ia O này. Đây là quê hương thứ hai của dân làng Klong”.
Đối với người dân hai bên biên giới của tỉnh Gia Lai và Ratanakiri (Campuchia), việc cưu mang, giúp đỡ lẫn nhau đã có từ lâu đời. Trong cuộc chiến đấu chung chống lại chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, người dân hai nước càng sát cánh bên nhau. Người Campuchia và người Việt Nam ở vùng biên giới Ia Grai sống với nhau không chỉ là sự hòa hợp thông thường, đó là tình cảm anh em đậm sâu.
Ông Rơ Lan Lêo, ở làng Klong, xã Ia O, một cựu chiến binh Việt Nam gốc Campuchia, kể: “Pol Pot ác lắm, nó sát hại đồng bào Campuchia. Mình sang Việt Nam lánh nạn một thời gian thì được làm du kích, mình dẫn Bộ đội Việt Nam đi đánh bọn Pol Pot. Mình rất mừng vì người Campuchia và người Việt Nam đoàn kết với nhau, sát cánh cùng nhau để đánh đổ Pol Pot. Cả hai dân tộc đoàn kết với nhau như anh em để cùng sinh sống ổn định trên biên giới”.
Bến thuyền của người dân làng Klong trên dòng Pô Kô |
Khi chế độ Khmer Đỏ bị lật đổ, Campuchia được giải phóng, nhưng cái tình sau những mùa rẫy, những cuộc hôn nhân không biên giới, đã giữ nhiều người dân Campuchia ở lại Việt Nam. Họ sống chung mái nhà, chung ché rượu cần, cùng xoang, cùng say mùa lễ hội. Được nhập Quốc tịch Việt Nam và với sự giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền, người dân Việt Nam, bà con đã có cuộc sống ổn định.
Trung tá Võ Văn Mại, Biên phòng tỉnh Gia Lai, người có nhiều năm làm Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia O, thường xuyên gặp gỡ, động viên và có những chỉ đạo giúp đỡ bà con làng Klong – ngôi làng gốc Campuchia trên huyện biên giới Ia Grai, tỉnh Gia Lai cho biết: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp các ngành thì đến nay bà con đã ổn định, có Quốc tịch Việt Nam và đã ổn định cuộc sống. Đời sống ngày càng cải thiện và đi vào ổn định.
Đối với Bộ đội Biên phòng, thực hiện theo chủ trương, chỉ đạo của cấp trên, đã tiến hành tuyên truyền vận động để bà con ổn định tư tưởng, làm ăn sản xuất. Thỉnh thoảng bà con cũng có về thăm lại bà con dòng họ ở phía Campuchia, sau khi thăm hỏi xong thì bà con lại quay về ổn định trên đất Việt Nam”.
Đất nước Campuchia kỷ niệm 38 năm Chiến thắng Khmer Đỏ, người dân làng Klong càng cảm nhận rõ hạnh phúc và tình người. Hạnh phúc ấy lắng đọng sâu hơn sau những thăng trầm của lịch sử; tình đoàn kết, gắn bó càng bền chặt hơn sau những khó khăn, hoạn nạn. Và tất cả mọi người đều đang phát huy tình đoàn kết ấy, cùng nhau phát triển./.