Chiều 30/10, ông Vũ Xuân Thành, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai dẫn đầu đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã đi kiểm tra các vị trí xung yếu tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đoàn đã đến kiểm tra công tác sơ tán dân ở thôn Thành Phát, xã Phước Đồng; công tác sắp xếp tàu thuyền tránh trú bão tại cảng Hòn và công tác đảm bảo an toàn lồng bè nuôi trồng thủy sản trên vịnh Nha Trang.

tau_thuyen_vov_omjh.jpg
Tàu thuyền neo đậu tại cảng.

Ông Vũ Xuân Thành đề nghị chính quyền địa phương, các lực lượng và người dân không được chủ quan, chủ động phòng tránh bão số 5, đặc biệt là ở khu vực nuôi trồng thủy sản và các khu vực ven núi, những nơi từng xảy ra sạt lở, chân đất yếu.

“Khánh Hòa vẫn phải tiếp tục đảm bảo an toàn tàu thuyền, vẫn còn một số tàu chưa vào. Vẫn phải tiếp tục kiểm tra, đôn đốc bà con trên lồng bè, nuôi trồng, thủy sản. Bà con đã chủ động rồi nhưng vẫn tiếp tục kiểm tra, đôn đốc những hộ chưa đi, chưa di dời. Cũng như tổ chức lực lượng canh coi, không để cho bà con quay về”, ông Thành nói.

Đến 15 giờ chiều 30/10, tỉnh Phú Yên đã di dời gần 5.200 người tại vùng nguy hiểm và trên các lồng bè đến nơi an toàn. Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã có lệnh cấm biển, không cho tất cả các phương tiện ra khơi.

Lãnh đạo tỉnh Phú Yên đi kiểm tra thực tế.

Trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường, ông Phạm Đại Dương, Chủ tich UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương đảm bảo an toàn cho  người dân: “Hiện nay chúng tôi thường xuyên tuyên truyền vận động bà con. Hiện nay cơ bản tàu thuyền đã đậu an toàn còn một số vẫn tiếp tục đi tìm để đưa về. Còn những bè nổi ở trên địa bàn tỉnh hiện nay theo chỉ đạo của tỉnh chiều nay đưa toàn bộ bà con về đất liền để đảm bảo an toàn. Chúng tôi đã sẵn sàng hỗ trợ bà con di dời, đồng thời là cũng có biện pháp xử lý sau bão”.

Phú Yên dọn dẹp đảm bảo an toàn tại các công trình xây dựng.

Tỉnh Bình Định cũng đã lên phương án sơ tán hơn 14.500 hộ dân với trên 68.000 nhân khẩu đi tránh bão. Các đơn vị quân đội đã chuẩn bị lực lượng cùng nhiều phương tiện sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu nạn.

“Tại thời điểm này, lượng mưa từ sáng giờ thì vẫn chưa phải lớn, mực nước sông ở dưới báo động 1. Khi mực nước sông ở trên báo động 2, 3 và một số các vùng có khả năng bị ngập, lúc đó Quân đội, Công an sẵn sàng hết rồi. Đã chuẩn bị các phương tiện để giúp người dân di chuyển”, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết.

Thông tin từ Cảng vụ Hàng không Phù Cát, tỉnh Bình Định và Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết, do ảnh hưởng của bão số 5, toàn bộ các chuyến bay từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đến 2 địa phương này sẽ bị hủy trong khoảng thời gian từ 12 giờ trưa nay đến 1 giờ sáng mai (31/10).

Lãnh đạo tỉnh Bình Định kiểm tra công tác phòng tránh bão số 5.

Ông Trần Văn Triển, Giám đốc Cảng hàng không Phù Cát, tỉnh Bình Định nói: “Theo chỉ thị của Cục Hàng không thì đóng cửa sân bay từ 12 giờ trưa đến 1 giờ sáng mai. Bây giờ cũng đang gió, gió và mưa tầm nhìn sẽ hạn chế, khó khăn trong việc hạ cánh nên mình hủy bay cho an toàn”.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, ông Nguyễn Tăng Bính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đi kiểm tra công tác bảo đảm an toàn cho tàu cá tại khu vực cửa biển Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ. Ông Nguyễn Tăng Bính yêu cầu chính quyền địa phương không để ngư dân ở lại trên tàu cá; kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn, tránh va đập gây hư hỏng tàu cá. Theo dự báo, sau bão số 5 sẽ có mưa lớn, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản yêu cầu các ngành chức năng và chính quyền địa phương khẩn trương triển khai các phương án ứng phó, tổ chức di dời người dân tại những khu vực nguy hiểm, vùng ngập sâu, sạt lở ven sông, ven biển.

“Đối với vùng cửa sông, cửa biển sạt lở thì ngay chiều nay chúng tôi đã ra lệnh phải cho chuyển dân. Đối với những vùng gần tâm bão như huyện Đức Phổ, Mộ Đức, Ba Tơ, đã triển khai các biện pháp chằng chống nhà cửa, tỉa cây, tất cả các phương án. Chuẩn bị lực lượng để ứng cứu khi có sự cố xảy ra”, ông Bính cho biết./.