Theo một nghiên cứu của Đại Học Princeton, việc sử dụng thuốc kháng sinh dùng cho động vật dự kiến sẽ tăng lên khoảng trên 60% trên toàn cầu từ năm 2010 đến năm 2030, trong khi đó, con số này sẽ lên gấp đôi tại các quốc gia lớn như Trung Quốc, Brazil, Ấn độ và Nga.
Đại học Princeton cũng cảnh báo trong tương lai gần, những bệnh truyền nhiễm thông thường cũng có thể dẫn đến cái chết bởi các loại vi khuẩn sẽ dần “nhờn” thuốc kháng sinh.
Theo tác giả Tim Robinson, một nhà khoa học tại Viên nghiên cứu chăn nuôi quốc tế ILRI, các nhà sản xuất chăn nuôi đang dùng nhiều loại thuốc kháng sinh để phòng bệnh tật cho gia súc trong thời gian.
Nhưng việc sử dụng thuốc kháng sinh liều thấp cho vật nuôi một cách có hệ thống sẽ tạo ra "điều kiện hoàn hảo để các vi khuẩn kháng thuốc phát triển", ông Tim Robinson phát biểu tại Quỹ Thomson Reuters.
Ông Robinsonk cho biết, các loại khuẩn như E.Coli hay Salmonela đã trở nên kháng các loại kháng sinh và có thể làm gia tăng khả năng lây nhiễm bệnh tật từ động vật sang người. Việc vi khuẩn kháng thuốc làm cho việc điều trị nhiễm trùng và các bệnh khác trở nên khó khăn hơn.
Các chuyên gia từ Princeton, ILRI và Viện Y tế quốc gia đã lần đầu tiên tiến hành đo mức sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi trên toàn cầu. Họ cho rằng châu Á được quan tâm hàng đầu vì đây là nơi mà nhu cầu về sản phẩm chăn nuôi đang gia tăng đáng kể.
Chỉ riêng ngành công nghiệp chăn nuôi của Trung Quốc cũng đã tiêu thụ gần một phần ba số thuốc kháng sinh trên toàn thế giới.
Ông Robinson cho rằng, để đáp ứng nhu cầu cho 805 triệu người thiếu lương thực trên toàn cầu. Các nước cần phải tìm ra một phương thức sản xuất mới ít phụ thuộc vào kháng sinh liều cao hay các loại thuốc kích thích tăng trưởng.
Ông cũng nói thêm rằng, người nghèo sẽ phải hứng chịu ảnh hưởng tồi tệ nhất khi các vi khuẩn kháng thuốc xâm nhập vào người bởi họ là những người không có khả năng mua các loại kháng sinh liều cao cần thiết để chữa bệnh./.