Bắc Giang đảm bảo an toàn bầu cử tại các khu cách ly tập trung
Phóng viên Việt Cường - Phạm An/VOV1 cho biết:Bắc Giang được xem là "điểm nóng" Covid-19 của cả nước. Đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang có 100 khu cách ly tập trung do quân đội quản lý với hơn 12 nghìn người đang được cách ly. Để mọi cử tri tại các khu cách ly được thực hiện quyền công dân của mình, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang phối hợp với chính quyền địa phương nơi có khu vực cách ly đã xây dựng các phương án cụ thể để các cử tri được đảm bảo đầy đủ quyền bầu cử của mình.
Khu cách ly tập trung ở trường tiểu học Lê Hồng Phong, thành phố Bắc Giang do Ban Chỉ huy Quân sự thành phố quản lý có sức chứa khoảng hơn 200 công dân thực hiện nghĩa vụ cách ly. Những ngày trước bầu cử, hệ thống loa phát thanh hoạt động tích cực. Trước đó cả tuần, lực lượng làm nhiệm vụ tại khu cách ly phối hợp với chính quyền địa phương, đã phát hành các tờ rơi tuyên truyền và đưa tận tay công dân đang thực hiện cách ly. Hàng ngày cán bộ của Ban chỉ huy quân sự thành phố đều có loa nhắc nhở những người mới vào nắm thông tin bầu cử tại nơi niêm yết danh sách bầu cử ngay tại sảnh tầng 1 của khu cách ly.
Thiếu tá Trần Mạnh Hiếu, Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Bắc Giang cho biết: "Là những người làm việc trực tiếp tại điểm cách ly, chúng tôi đã hướng dẫn cho bà con đọc danh sách những người ứng cử bầu đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp để bà con nắm và lựa chọn những cá nhân tiêu biểu. Với tinh thần trách nhiệm cao nhất chúng tôi sẽ hướng dẫn cho bà con cũng như toàn bộ lực lượng công tác tại khu cách ly này sẽ bảo đảm an toàn và thực hiện giãn cách về cự ly trong quá trình bầu cử để vừa an toàn cho bà con, vừa đảm bảo an toàn cho lực lượng nhiệm vụ trong bầu cử”.
Bác sỹ Nguyễn Thị Thu Hà, Tổ trưởng Tổ Y tế tại khu cách ly tập trung Phường Trần Nguyên Hãn cho biết, an toàn về dịch bệnh tại những khu cách ly được đặt ở mức cao nhất. Tại đây, lực lượng y tế phối hợp với lực lượng quân sự và cán bộ bầu cử của phường phải phân loại cử tri theo yếu tố dịch tễ để có phương án bỏ phiếu an toàn. Các thành viên tham gia phục vụ bầu cử nơi đây được bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ chuyên sâu về bầu cử và kinh nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 trong bầu cử, bảo đảm chắc nguyên tắc, thành thục động tác, không để xảy ra sai sót khi thực hiện nhiệm vụ.
Theo kế hoạch, vào ngày mai, các cán bộ, nhân viên, chiến sỹ và công dân thực hiện nghĩa vụ cách ly sẽ thực hiện bỏ phiếu theo thứ tự lần lượt, công dân đi thành 1 hàng dọc, cự ly giãn cách từ 2 mét trở lên đến khu vực bỏ phiếu. Trước khi bầu, người đi bầu cử sẽ được kiểm tra thân nhiệt, rửa tay khử khuẩn, đi găng tay bảo vệ, nhận phiếu bầu, bút riêng rồi vào ca bin nghiên cứu tiểu sử người ứng cử và thực hiện quyền bầu cử. Khi đo thân nhiệt, nếu công dân có dấu hiệu sốt, ho, khó thở sẽ báo ngay cho lực lượng y tế ứng trực tại chỗ và đưa về khu cách ly tạm thời. Đồng thời tích cực tuyên truyền để người dân hiểu về tầm quan trọng của ngày bầu cử.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: “Khi làm việc, trong quá trình tương tác với người bệnh chúng tôi đã kết nối Zalo với tất cả phòng bệnh, người bệnh tuyên truyền rộng rãi cho người dân ở khu cách lý về tầm quan trọng của bầu cử. Đồng thời chúng tôi cũng hướng dẫn mọi người đọc tiểu sử của từng đại biểu đặt ở bảng tin trong khu cách ly, hỗ trợ họ nghiên cứu tiểu sử của từng người để họ có sự lựa chọn sáng suốt nhất, bầu ra những đại biểu ưu tú nhất. Những cán bộ y tế chúng tôi ở trong này mặc dù là vất vả nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình, động viên những người đang cách ly hoàn thành sớm nhất bầu cử ngày mai”.
Tại các điểm bầu cử trong khu vực cách ly tập trung, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Giang yêu cầu các đơn vị chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, máy đo thân nhiệt, quần áo bảo hộ, kính chắn giọt bắn, hòm phiếu phụ, phiếu bầu, con dấu. Đặc biệt, các điểm phải chuẩn bị đủ số lượng khẩu trang, thước, bút, găng tay cho mỗi cử tri, kẻ vạch chỉ dẫn, cự ly giãn cách trên 2m, hòm phiếu được đặt ở nơi thông thoáng...
Đại tá Lương Văn Dũng, Phó Chính ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Giang cho biết, trước tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, để cuộc bầu cử diễn ra thành công, vừa đảm bảo an toàn chống dịch, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương bố trí khu vực bỏ phiếu đảm bảo cách biệt giữa trong và ngoài hàng rào ngăn cách với bên ngoài. Khu vực bỏ phiếu được bố trí theo một chiều di chuyển, gồm một bàn phát phiếu bầu cử, bảng niêm yết ứng cử viên, bàn viết phiếu bầu, hòm phiếu...Đồng thời kẻ vạch quy định khoảng cách 2 mét, và người bầu cử sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn đi thành 1 hàng, dừng đúng vạch và đi theo 1 chiều khi bỏ phiếu.
Đồng thời Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự các huyện, thành phố, các khu cách ly tập trung phối hợp với Ủy ban nhân dân các địa phương trước 24 giờ của ngày hôm nay (22/5) phải tiến hành cập nhật lại danh sách cử tri bảo đảm không sót công dân tại các khu cách ly
"Nếu cử tri ở ngoài tỉnh Bắc Giang về bỏ phiếu mà trong diện đang cách ly thì sẽ được thu hồi thẻ cử tri nơi cư trú đó và được cấp thẻ mới. Đối với các đơn vị quân đội đến tăng cường giúp Bắc Giang chống dịch, thì Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tiếp nhận và giới thiệu cho Ban chỉ huy quân sự các huyện, thành phố và địa phương nơi có khu cách ly, bệnh viện dã chiến tiếp nhận, bổ sung vào danh sách cử tri của đơn vị bầu cử đồng thời thông báo về đơn vị cử tri này đã bỏ bỏ phiếu tại điểm bầu cử Bắc Giang. Đối với các bệnh viện dã chiến đang phong tỏa để điều trị Covid-19, sẽ sử dụng hòm phiếu phụ đưa đến tận bệnh viện để các bệnh nhân F0 cũng được bỏ phiếu. Tất cả thực hiện bầu cử theo đúng quy định 5K của Bộ Y tế”, Đại tá Lương Văn Dũng nói.
Tới thời điểm này, các phương án cho ngày bầu cử 23/5 tại Khu cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cơ bản đã được hoàn tất. Tất cả quy trình chuẩn bị, thực hiện sẽ tuân thủ nghiêm quy định an toàn phòng dịch, tránh nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh ra cộng đồng với quyết tâm cao nhất để bảo đảm quyền bầu cử của tất cả công dân trong bối cảnh dịch bệnh.
Người K’ho Lâm Đồng háo hức chờ được bỏ phiếu bầu cử
Phóng viên Quang Sáng/VOV-Tây Nguyên phản ánh: Đến thời điểm này, tỉnh Lâm Đồng đã hoàn tất việc chuẩn bị bầu cử. Tại xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), nơi có 78% cử tri là người dân tộc K’ho cũng đã đảm bảo mọi điều kiện cần thiết, sẵn sàng cho việc bỏ phiếu bầu.
Những ngày này, ông Cil Yũ Ha Giảng, 63 tuổi, ở buôn Liêng Bông, xã Đạ Nhim luôn trong tâm trạng vui mừng và háo hức để được bỏ phiếu bầu cho người mà mình tin tưởng lựa chọn. Ông cho rằng cuộc bầu cử lần này rất có ý nghĩa với buôn làng, bởi chắc chắn những người trúng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp sẽ đại diện được ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Họ sẽ làm tốt việc tham mưu, góp ý xây dựng được những các chính sách phù hợp, trong đó có đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và tạo ra sinh kế ổn định đời sống cho người dân.
“Bà con rất mừng và rất vui vẻ để đi bầu đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Bà con chúng tôi sẽ lựa chọn những người có tài, có đạo đức để lãnh đạo đất nước. Chúng tôi rất tín nhiệm, tin tưởng rằng bầu cử lần này sẽ đạt kết quả tốt”, ông Cil Yũ Ha Giảng nói.
Còn bà Cil Phi Criêu Ma Phin, cán bộ y tế thôn bản ở Đarahoa, xã Đạ Nhim cho biết, bản thân mình và bà con trong buôn làng đều đã tìm hiểu và nghiên cứu rõ ràng tiểu sử của từng ứng cử viên, các quy trình bầu cử cũng đã nắm kỹ. Vì vậy việc bỏ phiếu bầu chắc chắn sẽ tiến hành suôn sẻ. Riêng các trang thiết bị y tế đảm bảo cho công tác phòng chống Covid-19 cũng đã được chuẩn bị đầy đủ và chu đáo.
“Bản thân tôi chờ đợi mấy ngày nay, lòng cảm thấy rất hồi hộp. Bà con nơi đây đều rất mong muốn đến ngày bầu cử để chọn bầu cho những ai làm tốt công việc xã hội, giúp đỡ bà con trong buôn làng mình. Trang thiết bị y tế, tất cả như dung dịch sát khuẩn, khẩu trang, máy đo thân nhiệt đều đã sắp xếp đâu vào đấy cả rồi. Nếu có nghi ngờ dịch Covid-19 thì có phòng cách ly riêng”, bà Cil Phi Criêu Ma Phin nói.
Xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương có gần 5.000 khẩu, trong đó người dân tộc K’ho chiếm 78%. Ông Cil Pam Ha Tiếu, Phó chủ tịch HĐND xã, Trưởng ban bầu cử xã Đạ Nhim cho biết, tuy là một xã khó khăn nhưng công tác bầu cử đều đã được chuẩn bị rất đầy đủ và chu toàn về mọi mặt. Cử tri trong xã ai ai cũng mang tâm trạng háo hức mong chờ được tự tay bỏ phiếu bầu cho người mà họ tin tưởng lựa chọn.
Ông Cil Pam Ha Tiếu, nói: “Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị các trang thiết bị, cơ sở vật chất để phục vụ cho bầu cử đều đảm bảo. Sẵn sàng cuộc bầu cử cho ngày 23/5”.
Khu vực biên giới Trùng Khánh, Cao Bằng sẵn sàng cho ngày bầu cử
Theo phóng viên Tiến Cường/VOV-Đông Bắc:Cử tri các khu vực bầu cử ở tỉnh Cao Bằng đã sẵn sàng đi bỏ phiếu vào sáng mai 23/5. Với địa hình đồi núi, có đường biên giới kéo dài, Cao Bằng đặt ra nhiều phương án đảm bảo công tác bầu cử ở các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự.
Các trục đường, trụ sở, đường làng, thôn xóm của huyện biên giới Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng rợp đỏ cờ hoa chào mừng ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội hóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Trùng Khánh là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự với tuyến biên giới dài, nhiều đường mòn, lối tắt, thường xảy ra hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép. Để phục vụ tốt 131 đơn vị bầu cử tại huyện biên giới Trùng Khánh, lực lượng công an được tăng cường tối đa để hướng dẫn cử tri tham gia bầu cử và giữ gìn an ninh trật tự xã hội. Ban bầu cử địa phương cũng bố trí thùng phiếu lưu động tại khu cách ly tập trung để công dân tham gia bỏ phiếu thuận lợi. Tại Trùng Khánh có 84 trường hợp bị tạm giữ, tạm giam do xuất nhập cảnh trái phép cũng được tạo điều kiện cấp thẻ cử tri để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.
Trung tá Bế Tuấn Minh, Trưởng Công an huyện Trùng Khánh, Công an tỉnh Cao Bằng cho biết: “Phương án đảm bảo ANTT trên địa bàn huyện Trùng Khánh, đối với 131 điểm bầu cử trên 21 xã, thị trấn, lực lượng công an đã xây dựng phương án đảm bảo ANTT; bố trí cán bộ, chiến sĩ, phối hợp với các lực lượng như Biên phòng, Hải quan, Quân sự, Đoàn thanh niên cũng như chính quyền xã để làm tốt công tác trên địa bàn. Đặc biệt là giai đoạn trước, trong, sau ngày bầu cử tránh phát sinh các trường hợp phức tạp cũng như khiếu kiện… Chúng tôi sẽ tham mưu, báo cáo cấp thẩm quyền giải quyết”.
Cử tri Đắk Lắk háo hức, mong chờ, kỳ vọng ngày hội lớn
Phóng viên Hương Lý/VOV-Tây Nguyên thông tin:Ngày mai 23/5, cùng với cử tri cả nước, hơn 1,3 triệu cử tri Đắk Lắk sẽ thực hiện quyền công dân của mình để lựa chọn những người tiêu biểu nhất đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân.
Thời điểm này đang tất bật với việc chăm sóc, phục hồi vườn hồ tiêu sau thu hoạch, nhưng ông Hoàng Văn Vĩnh ở thôn 1, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vẫn tranh thủ dành thời gian tìm hiểu tiểu sử tóm tắt của các ứng cử viên tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội khoá 15 và Đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 của địa phương. Ông Hoàng Văn Vĩnh cho biết: do tình hình dịch Covid 19 diễn biến phức tạp nên các đợt tiếp xúc giữa các ứng cử viên với cử tri có phần hạn chế hơn lần bầu cử trước. Đa số là tiếp xúc bằng hình thức trực tuyến nên những nông dân như ông không có thời gian và điều kiện để theo dõi thường xuyên. Chiều nay, ông nghỉ việc đồng áng để nghiên cứu đầy đủ và kỹ lưỡng danh sách ứng cử viên để ngày mai sẽ bầu những người xứng đáng.
Ông Hoàng Văn Vĩnh nói: “Để thể hiện quyền công dân của cử tri, trước hết mình phải biết được tiểu sử của các ứng cử viên để mình chọn ra những người có đức có tài phù hợp với ý Đảng lòng dân, thể hiện tính dân chủ của mình mình trực tiếp cầm lá phiếu để mình bầu. Dù rằng công việc đồng áng của người nông dân rất bận nhưng cũng phải bỏ thời gian tranh thủ để thể hiện quyền công dân của mình trong ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND”.
Không chỉ phát huy quyền làm chủ của mình, qua mỗi lá phiếu, cử tri Đắk Lắk mong muốn, kỳ vọng sẽ bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Mỗi đại biểu trúng cử sẽ thực hiện lời hứa của mình trước Đảng trước nhân dân.
Ông Nghiêm Ái Ninh, xã Quảng Điền, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Mong muốn lớn nhất là các ứng cử viên về ứng cử tại địa phương sau khi trúng cử rồi thì phải gần dân, nắm được tâm tư nguyện vọng của nhân dân, biết được người dân cần gì qua đó những người đại diện cho nhân dân phản ánh lên các cấp để phù hợp với nguyện vọng của người ta”./.