Hiện nay, các ngành chức năng tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa - 2 địa phương chịu nhiều thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua đang tập trung nguồn lực để hỗ trợ người dân vùng ngập lũ, sớm ổn định đời sống và khôi phục sản xuất.

Theo thống kê, số người chết, mất tích và bị thương do mưa lũ miền Trung tăng lên 45 người, trong đó Thanh Hóa là địa phương thiệt hại nhiều nhất. Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn 16 tuyến đường liên xã, huyện vẫn bị ngập và bị ách tắc, 34 hồ đập và 600m đê bị tràn, vỡ, cần phải mất nhiều ngày để khắc phục, gia cố.

nat_copy.jpg
Đổ nát sau mưa lũ tại Thanh Hoá.

Khu vực đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt lũ lụt vừa qua là các xã, Quảng Phú, Xuân Châu, Thọ Lập của huyện Thọ Xuân. Mặc dù trong những ngày  qua, lực lượng bộ đội, công an và thanh niên đã giúp đỡ gần 10.000 người dân di dời đến nơi an toàn, nhưng vẫn còn khoảng hơn 1.000 hộ dân bị ngập với trên 6.000 nhân khẩu bị cô lập vì nước lũ, trong đó gần một nửa số hộ dân là ở xã Quảng Phú. Ngành y tế, tài nguyên môi trường của tỉnh Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với địa phương bị ngập lụt để xử lý vệ sinh môi trường và phòng trừ dịch bệnh, không để môi trường ô nhiễm và dịch bệnh lây lan.

Ông Cao Hữu Lộc, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thọ Xuân cho biết: “Các xã bị ngập chúng tôi phải tập trung vào xử lý môi trường triệt để. Tuyên truyền cho người dân, nước rút đến đâu thì tổng vệ sinh đến đấy. Các giếng nước ở những nơi nước rút chúng tôi cơ bản xử lý xong, kể cả chuồng trại gia súc. Bây giờ chỉ còn 300 hộ dân ở xã Quảng Phú nước chưa rút hết, chắc mai hoặc ngày kia nước rút chúng tôi sẻ xử lý cho hoàn thiện. Thứ hai là giám sát chặt chẽ các bệnh dịch, nhất là bệnh đau mắt đó, nước ăn chân, lỵ. Tất cả bệnh này chúng tôi đang theo dõi sát, nếu có xử lý ngay”.

Tại Nghệ An, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo các huyện, thành, thị và các ngành tập trung các phương tiện, lực lượng để xử lý sự cố; huy động lực lượng hỗ trợ người dân thu hoạch lúa hè thu và các loại cây trồng bị ngập úng. Các đơn vị thuỷ nông tập trung khơi thông các trục tiêu, vận hành các cống, trạm bơm tiêu úng, di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, hỗ trợ, cứu đói nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại, nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân vùng bị lũ lụt. Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo quyết liệt và huy động các nguồn lực sẵn có để thăm hỏi, động viên và khắc phục thiệt hại, như vệ sinh môi trường, khắc phục sản xuất; tổ chức thăm hỏi động viên các gia đình có người chết, người bị thương trong đợt lũ./.