Trong những ngày gần đây, mưa đá và lốc xoáy liên tiếp xuất hiện ở nhiều địa phương khu vực miền núi phía Bắc là Thanh Hóa, Nghệ An gây thiệt hại nặng nề tài sản và mùa màng, lốc xoáy. Đến thời điểm này, mưa đá cũng đã làm 1 người chết, 44 người bị thương, hàng chục nghìn ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng, hàng nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hại.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh rãnh áp thấp nên Hà Giang lại tiếp tục hứng chịu trận mưa đá lớn sáng hôm qua (31/3). Mưa đá kéo dài từ 15 - 20 phút trên diện rộng tại huyện Mèo Vạc. Các xã Lũng Pù, Pải Lủng và thị trấn Mèo Vạc là những địa phương bị thiệt hại nặng nhất. Gần 100 ngôi nhà bị tốc mái, trên 700 ha ngô và rau màu bị thiệt hại không có khả năng phục hồi, nhiều công trình công cộng bị hư hỏng.
Trận mưa đá xảy ra tại xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An cũng đã làm gần 90 hộ dân bị tốc mái trong đó có hàng chục hộ bị thiệt hại nặng, không có người nào chết và bị thương. Ngay sau khi trận mưa đá xảy ra, Ban phòng chống lụt bão huyện Tương Dương đã xuống địa bàn chỉ đạo khắc phục hậu quả. Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An cho biết: Huyện Tương Dương đã cử 20 cán bộ huyện đội, 18 chiến sĩ công an đến giúp đỡ dân, lợp lại mái nhà và xử lý lợp xong trong chiều 31/3. Hiện tại huyện cũng cho cán bộ xuống làm thủ tục, hồ sơ hỗ trợ cho những gia đình bị thiệt hại, cấp xi măng và một số thứ và hỗ trợ kinh phí về sau.
Tại Thanh Hóa cũng đã xảy ra mưa đá tại các huyện Quan Hóa, Quan Sơn và Lang Chánh với đường kính viên đá từ 1-2 cm kéo dài từ 30 đến 45 phút. Trận mưa không gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân. Nhằm chủ động phòng chống với tình hình thời tiết phức tạp, Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương cần theo sát diễn biến thời tiết để có phương án phòng chống hiệu quả.
Ông Lê Văn Hiền, Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã rất lâu mới xảy ra mưa đá trên địa bàn Thanh Hóa. Mưa đá và lốc xoáy thường xảy ra trong diện hẹp, do vậy đề nghị các địa phương cần theo dõi chặt chẽ thông tin về tình hình thời tiết, từ đó triển khai sớm các biện pháp nhằm giảm thiệt hại, triển khai ngay từ khi có thông tin có mưa đá có thể xảy ra.
Sáng 31/1 cũng đã tái xuất hiện tượng mưa đá nguy hiểm tại tỉnh Sơn La, làm một người dân bị thương và gần 80 nhà dân bị hỏng mái, sập mái; một nhà văn hóa tại xã Nà Bó bị sập đổ và làm thiệt hại khoảng 20ha cây ăn trái và rau màu. Tại Lào Cai, 5 huyện trong tổng số 9 huyện, thành phố bị mưa đá và lốc xoáy tàn phá dữ dội. Hàng ngàn hộ dân hiện đang trong cảnh “màn trời chiếu đất”. Ước tổng thiệt hại đã lên đến con số hơn 270 tỷ đồng./.