Tại cuộc họp chiều 25/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, sau một thời gian dài an toàn không có ca nhiễm cộng đồng đã xuất hiện tâm lý nơi lỏng, chủ quan. Vì vậy, trong nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này, quan trọng nhất là các lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra, đồng thời tăng cường công tác truyền thông.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, qua hơn 11 tháng phòng chống dịch, Việt Nam đã rút ra rất nhiều bài học và kinh nghiệm. Công tác phòng, chống dịch đang bước vào một thời gian rất quan trọng khi vào mùa Đông và hơn nữa là Tết Nguyên đán đang đến gần.
“Tất cả các biện pháp phòng chống dịch phải được nâng lên một mức nữa. Từ lực lượng chuyên trách phòng chống dịch đến toàn thể hệ thống trong cả nước, các doanh nghiệp và người dân phải cùng nhau thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch, các khuyến nghị của ngành y tế. Cả xã hội cùng sẵn sàng chống dịch. Chúng ta phải quyết tâm giữ được thành quả chống dịch càng lâu càng tốt để nhân dân có được một cái tết an toàn và ấm cúng”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Bên cạnh yêu cầu tăng cường kiểm soát chặt chẽ đường biên giới trên bộ, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, đối với người nhập cảnh hợp pháp, Ban Chỉ đạo nhấn mạnh yêu cầu chấn chỉnh công tác cách ly. Tất cả các đối tượng là nhà ngoại giao, công vụ, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài và những người Việt Nam về nước trên các “chuyến bay giải cứu” đều phải có phương án cách ly trước khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Thường trực Ban Chỉ đạo cũng thống nhất phải siết chặt các biện pháp phòng chống dịch trong nước khi thời gian tới diễn ra nhiều hoạt động, lễ hội đón năm mới, lễ hội văn hóa, tôn giáo dịp đầu năm; tiếp tục tăng cường năng lực phát hiện của các cơ sở y tế để phát hiện sớm ca nhiễm, khoanh vùng, dập dịch nhanh, gọn.
Đáng chú ý, các thành viên Ban Chỉ đạo bày tỏ lo ngại về dấu hiệu chủ quan, chậm thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ở các cơ sở y tế tuyến bên dưới, phòng khám tư nhân, trạm y tế. Hiện nay, 100% bệnh viện đã tự thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế cập nhật lên bản đồ chống dịch, nhưng đối với phòng khám tư nhân, y tế cơ sở tỷ lệ này chưa tới 27%. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, thời gian tới ngành y tế sẽ phải đôn đốc, kiểm tra sâu sát hơn.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy cũng thông tin, hiện có tới 56% cơ sở lưu trú đóng cửa không hoạt động, nhưng trong 13.000 cơ sở lưu trú đang hoạt động cũng mới chỉ có 3.600 cơ sở thực hiện tự đánh giá phòng chống dịch và cập nhật lên bản đồ chống dịch.
“Ngay sau cuộc họp chiều nay, Bộ VHTT&DL sẽ tiếp tục có văn bản đôn đốc các địa phương thực hiện phòng chống dịch, cập nhật thông tin đối với các điểm di tích, danh thắng, lễ hội, cơ sở lưu trú. Bộ cũng sẽ cử đoàn làm việc trực tiếp với các địa phương có nhiều hoạt động, lễ hội lớn dịp đầu năm”, bà Thủy nói.
Một số ý kiến cũng bày tỏ lo ngại về việc tại trung tâm thương mại, chợ dân sinh khi đến nay ngành Công Thương chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, yêu cầu chủ đơn vị quản lý các trung tâm thương mại, chợ dân sinh, doanh nghiệp phổ biến, yêu cầu các cửa hàng, hộ kinh doanh thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, có kiểm tra, nhắc nhở.
Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các Bộ GTVT, VHTT&DL, Công Thương… phải khẩn trương chỉ đạo, đôn đốc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch và cập nhật thông tin đối với các cơ sở lưu trú, bến xe, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở hoạt động tôn giáo tín ngưỡng và đặc biệt là các phương tiện giao thông công cộng (taxi, xe buýt đô thị, xe khách đường dài, tàu hỏa)…/.