Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt vừa cho biết, trên địa bàn cả nước, lực lượng chức năng hiện chưa ghi nhận bất cứ trường hợp xe máy điện nào đến đăng ký biển số.
Lý giải về nguyên nhân của tình trạng trên, Đại tá Tuấn cho rằng, đa số người dân thiếu các loại giấy tờ chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ của xe máy điện. Bên cạnh đó, nhiều người dân, thậm chí cả cán bộ làm nhiệm vụ đảm bảo TTATGT đang lúng túng trong việc phân biệt giữa xe máy điện và xe đạp điện.
Lãnh đạo Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt cũng thẳng thắn thừa nhận việc xử lý xe máy điện không biển kiểm soát hiện gặp nhiều khó khăn, bởi luật quy định chủ phương tiện tham gia giao thông phải từ 16 tuổi trở lên mới xử phạt bằng tiền. Tuy nhiên, người điều khiển xe máy điện hiện nay chủ yếu là học sinh ở độ tuổi dưới 16 nên khi bắt giữ cũng chỉ sử dụng biện pháp nhắc nhở là chủ yếu. “Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, chúng tôi đã chỉ đạo, nhắc nhở công an các địa phương phải tạo mọi điều kiện và đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân khi đến cơ sở đăng ký biển số cho xe máy điện” - ông Tuấn nói.
Trong khi đó, bà Lê Minh Châu - Phó Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho biết, thời gian qua, trên thị trường xuất hiện nhiều loại xe máy điện không rõ nguồn gốc và chưa được kiểm soát chất lượng an toàn kỹ thuật. Hoạt động tham gia giao thông loại phương tiện này đang diễn biến phức tạp. Tình trạng học sinh, sinh viên điều khiển xe máy điện, xe đạp điện đi với tốc độ cao, chở quá số người quy định, dàn hàng ngang, lạng lách đánh võng, không đội MBH,... vi phạm Luật GTĐB đang có chiều hướng gia tăng, gây mất ATGT và ùn tắc giao thông.
Đáng lo ngại hơn cả trên thị trường hiện có nhiều loại xe máy điện được sản xuất giống xe đạp điện có vận tốc và khối lượng lớn nhưng trang thiết bị an toàn không phù hợp./.