Kể từ ngày đầu tiên Hà Nội giãn cách, cứ đúng 11h trưa, hàng chục suất cơm từ bếp ăn 64 Nguyễn Phong Sắc theo xe ông Phạm Văn Tuân được trao đến người có hoàn cảnh khó khăn. Để đảm bảo giãn cách, phù hợp với việc quy định lưu thông trong mùa dịch, ông Tuân mang các suất cơm tới đặt tại 3 địa điểm cố định trên địa bàn các phường Quan Hoa, Nghĩa Tân, Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy).

Nhận suất ăn ấm nóng nghĩa tình, những người cô đơn, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch bày tỏ vui mừng phấn khởi: “Cơm được nấu nướng ngon, vừa miệng. Những suất cơm này giúp cho gia đình chúng tôi rất nhiều trong hoàn cảnh dịch bệnh này. Một miếng khi đói, một gói khi no, đây là hành động quá tuyệt vời. Cảm ơn các bác”.

Bếp cơm 0 đồng góp phần chống dịch là ý tưởng của ông Phạm Văn Tuân chủ nhà số 64 Nguyễn Phong Sắc, cũng là nơi đặt bếp “góp phần chống dịch”. Những người đóng góp cho bếp ăn là anh em trong gia đình, là bạn đồng niên, đồng khóa, và hàng xóm láng giềng của ông. Tất cả cùng một tấm lòng hướng về những người khuyết tật, người già cô đơn, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong những ngày giãn cách.

Trao đổi chủ yếu trên nhóm zalo mang tên Góp phần chống dịch, với những tin nhắn ấm lòng: Tôi xin đóng góp 10 suất, tôi xin đóng 20 suất; tôi đóng 50 suất… Hằng ngày trưởng nhóm Phạm Văn Tuân luôn cập nhật tình hình: Hôm nay nấu 50 suất ăn từ đóng góp của ông Vương Duy Thiền, nguyên Trạm trưởng Trạm y tế xã Dịch Vọng; hôm nay nấu 50 suất do ông Nguyễn Quang Anh biếu tặng, rồi các suất ăn do chị Trần Thị Hằng, Phạm Thị Lụa…

“Hà Nội thông báo giãn cách 15 ngày, tôi thấy có nhiều người gặp khó khăn, tôi đề xuất với chính quyền, với các tổ chức chính trị xã hội ở đây, có nhiều người ở vùng trũng ít người quan tâm. Tôi hô hào bạn bè và ai có tâm, có lòng thì góp vào và trong quá trình làm vẫn phải đảm bảo giãn cách cho an toàn”, ông Phạm Văn Tuân chia sẻ.

Bếp ăn được bố trí với quy mô thông thoáng và phù hợp để đảm bảo yêu cầu giãn cách, phòng bệnh nên chỉ có người phụ giúp sơ chế, đóng hộp, một người nấu ăn, và bản thân ông Tuân vận chuyển. Đa số mọi người tham gia đều trên dưới 70 tuổi. Bà Phạm Thị Thủy bếp trưởng cũng gần 60 lại mắc bệnh xương khớp, nhưng hàng ngày vẫn đứng bếp từ 6h sáng để đảm bảo có 50-60 suất ăn trưa.

Vốn là chủ quán cơm nên trong thời gian nghỉ dịch, bà Thủy lại tiếp tục giữ lửa ở bếp ăn thiện nguyện này để góp phần hỗ trợ những người thực sự khó khăn. Để nấu những món ăn đầy đủ dưỡng chất tới trao tặng những người còn nhiều khó khăn là tâm huyết của cả nhóm làm bếp.

“Những lúc dịch dã, tôi muốn làm tỷ mỷ, những món ăn ngon, truyền thống của Việt Nam để gửi đến cho bà con, có hoàn cảnh khó khăn. Hôm nay tôi làm thịt kho tàu trứng, rau muống luộc dầm sấu và đậu rán tẩm hành. Một tay 3 bếp ga, một bếp kho tàu, một bếp luộc rau, một bếp rán đậu cho đến đúng 10h là phải sắp xong để 11h ra khỏi cửa, để tới tay người nghèo đúng giờ, không để họ chờ đợi lâu ảnh hưởng đến thời gian giãn cách”, bà Thủy chia sẻ.

Bếp ăn với tên gọi “Phòng chống dịch” 64 Nguyễn Phong Sắc đã nêu cao tấm gương người cao tuổi sống ấm áp, nghĩa tình góp sức nhỏ của mình cho công cuộc phòng chống dịch./.