Để phục vụ việc thi công, sửa chữa 2 hầm Phú Gia, Phước Tượng, Công ty hạ tầng giao thông Đèo Cả, thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả tổ chức phân luồng xe qua các điểm thi công. Cụ thể, từ ngày 16/3 đến 9/4, phương tiện lưu thông theo chiều từ Nam ra Bắc di chuyển theo đường đèo Phước Tượng. Từ ngày 9/4 đến 29/4, phương tiện lưu thông theo chiều từ Nam ra Bắc di chuyển theo đường đèo Phú Gia. Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả vẫn thu phí gộp 3 hầm đường bộ Phước Tượng, Phú Gia và Hải Vân với mức phí từ 108.000 đến 278.000 đồng/xe tại Trạm thu phí Bắc Hải Vân.

Sau khi dư luận phản ứng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp BOT chủ đầu tư dự án hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia có phương án trừ tiền thu phí đối với các phương tiện không lưu thông qua hầm Phước Tượng - Phú Gia. Cụ thể, trong quá trình thi công, trường hợp lưu lượng xe lớn, bắt buộc phải phân luồng các phương tiện đi đường đèo, đơn vị phải có phương án trừ tiền thu phí đối với các phương tiện không lưu thông qua hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia.

 Mặc dù Tổng cục Đường bộ Việt Nam có chỉ đạo như vậy nhưng Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả vẫn không thực hiện trừ tiền thu phí đối với các phương tiện không lưu thông qua hầm. Thay vào đó, doanh nghiệp này điều tiết phân luồng từng chiều để các phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 1A di chuyển qua hầm Phước Tượng theo một làn. Tại hiện trường, không có biển chỉ dẫn phương tiện vòng lên đường đèo. Với phương án này, hàng trăm xe ô tô phải xếp hàng chờ đến lượt đi qua hầm. Cách tổ chức giao thông ép phương tiện đi hầm như vậy gây ách tắc giao thông cục bộ kéo dài trên quốc lộ 1A đoạn hai bên cửa hầm Phước Tượng.

Ông Võ Phi Cường, lái xe tuyến Huế- Đà Nẵng nêu bức xúc: “Ngay bước ban đầu, Công ty Đèo Cả phân luồng bằng cách, luồn làn ra thì đi đèo và làn vào thì đi hầm. Mục đích để giữ nguyên giá vé nhưng qua quá trình đấu tranh, số anh em lái xe cũng như ngành vận tải thì kế hoạch của công ty Đèo Cả đã thay đổi, bằng cách lập 2 chốt ở hai đầu hầm Phước Tượng để phân luồng, cứ làn ra đi xong làn vào lại đi. Làm như vậy cũng ảnh hưởng, khi dừng lại, nổ máy, điều hòa thì phải tốn nhiên liệu, trong bối cảnh như hiện nay, nhiên liệu rất cao, ảnh hưởng quyền lợi cho ngành vận tải nói chung”.

Hiện nay, do tình hình dịch bệnh còn phức tạp, lượng khách đi lại ít, trong khi đó chí phí xăng dầu quá cao nên lái xe kiến nghị Công ty Đèo Cả giảm mức phí qua hầm. Các lái xe phàn nàn, cung đường của tuyến xe buýt Huế - Đà Nẵng với cự ly chưa đến 100 km mà phải qua hai trạm thu phí, trạm Phú Bài và Trạm Bắc Hải Vân. Trên thực tế, xe 16 chỗ một lượt qua trạm Phú Bài là 50.000 đồng và mỗi lượt qua trạm Bắc Hải Vân là 160.000 đồng, như vậy là quá cao.

Vấn đề này ông Nguyễn Văn Long, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Thừa Thiên Huế cho biết, từ ngày 1/5/2021 phí qua Trạm thu phí Bắc Hải Vân tăng gấp 3 lần đã khiến các doanh nghiệp vận tải gặp rất nhiều khó khăn. Nay chi phí nhiên liệu tăng lên do xe phải lưu thông đường đèo nhưng Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả không thực hiện giảm phí qua trạm BOT khiến các doanh nghiệp càng thêm khó.

 “Chúng tôi thấy rằng, điều này rất bất cập vì phương tiện đi đường đèo không đi đường hầm thì công ty Đèo Cả cũng nên giảm một phí nhất định cho nhân dân đi lại. Thứ hai, trong thời gian vừa qua, đối với lĩnh vực vận tải khách bằng ô tô đã thực sự là quá khó khăn do dịch bệnh kéo dài hơn 2 năm, rồi, gần đây giá xăng dầu lại tăng quá cao. Do vậy Hiệp hội kiến nghị Công ty cổ phần Đèo Cả nên giảm một tỉ lệ nhất định để hỗ trợ cho hoạt động vận tải trong thời gian khó khăn này”, ông Nguyễn Văn Long cho hay.

Mặc cho lái xe, Hiệp hội vận tải bức xúc vì cách thu phí bất hợp lý nhưng chủ doanh nghiệp BOT là Công ty Cổ phần Đèo Cả vẫn tìm mọi cách để thu cho được phí đường bộ qua trạm Bắc Hải Vân với giá cao ngất ngưởng. Với cách phân luồng giao thông như hiện nay, lái xe không xếp hàng chờ qua hầm từng lượt mà đi đường đèo thì không do doanh nghiệp mà là do lái xe tự đi đường đèo. Do không phân luồng xe đi đường đèo thì doanh nghiệp không phải giảm giá vé BOT. Còn lái xe đi hầm thì nổ máy, xếp hàng chờ qua hầm vừa tốn thời gian, vừa tăng thêm chi phí nhiên liệu, phí qua hầm vẫn phải nộp đủ.

Ông Ngô Văn Đoán, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ II.5, Cục Quản lý đường bộ II thuộc Tổng Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng doanh nghiệp BOT không sai: “Được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đơn vị họ sẽ tổ chức sửa chữa. Giải pháp là vừa sửa chữa vừa cho lưu lượng xe qua, phân khúc từng mét, ví dụ bên này 6 phút thì bên kia lại đi. Như vậy, sẽ gián đoạn, phương tiện nào quá vội mà không thì đi theo đường đèo”.

Đại diện đơn vị quản lý đường bộ cho rằng, phương tiện nào quá vội thì đi đường đèo. Tuy nhiên, thực tế, trên Quốc lộ 1A không có biển chỉ dẫn lên đường đèo nên xe Bắc - Nam cứ phải xếp hàng qua hầm để rồi phải mua vé BOT./.