Chống dịch phải minh bạch và chủ động thông tin
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, năm 2021 là năm nhiều khó khăn, thử thách khi dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo đó, diễn biến phức tạp, khó lường của đợt dịch thứ 4 với sự xuất hiện của biến chủng Delta đã buộc cả thế giới phải có những phản ứng mau lẹ, nhanh chóng tìm ra và triển khai những đấu pháp mới để phù hợp với tình hình thực tế với mục tiêu cao nhất là bảo đảm sinh mệnh của người dân.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, trong đợt dịch COVID-19 thứ tư, ngành y tế đã phát huy những kinh nghiệm quý báu trong công tác truyền thông phòng, chống dịch, đó là minh bạch hóa và chủ động thông tin.
Ngành y tế đã đổi mới mạnh mẽ công tác truyền thông để đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân trong bối cảnh chống dịch thay đổi.
"Các bản tin hàng ngày của Ban chỉ đạo, Bộ Y tế, và các bản tin đột xuất đòi hỏi phải liên tục cập nhật, đổi mới về hình thức, nội dung thông tin; các thông điệp, khuyến cáo phòng chống dịch COVID-19 phải đáp ứng kịp thời với những thay đổi về diễn biến dịch, cập nhật kiến thức về biến thể Delta và chuyển đổi chính sách, đường lối chống dịch"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Người đứng đầu ngành y tế nêu cụ thể, một trong những đổi mới nổi bật của truyền thông y tế trong đợt dịch thứ 4 là việc tận dụng ưu thế của mạng xã hội xây dựng ngân hàng thông tin từ đầu tháng 5 đến hết tháng 10/2021. Do dịch bệnh bùng phát tại nhiều địa phương, các cơ quan báo chí rất khó khăn tiếp cận tâm dịch, các khu điều trị bệnh nhân nặng, khu cách ly tập trung…
Vì vậy, Bộ Y tế đã thành lập những tổ truyền thông trong thành phần của các Bộ phận Thường trực/Tổ công tác của Bộ Y tế hỗ trợ các địa phương chống dịch ngay tại tâm dịch để xây dựng các nội dung truyền thông chính xác, kịp thời, tạo nên ngân hàng thông tin (bao gồm các bài viết, ảnh, video…) cung cấp cho các cơ quan báo chí, truyền thông.
Bộ Y tế đã thiết lập kho dữ liệu truyền thông Y tế cho đội ngũ làm truyền thông y tế tại các địa phương, bao gồm các hướng dẫn truyền thông và các sản phẩm truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 và tiêm chủng vaccine COVID-19 được sản xuất sẵn bằng nhiều hình thức khác nhau như infographic, video…trên nhiều nền tảng như Viber, Facebook, Zalo…
"Gần 2.000 tác phẩm báo chí, phản ánh các nỗ lực của Bộ Y tế, chính quyền và nhân dân các địa phương, các lực lượng y tế trong triển khai chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia. Trung bình mỗi tác phẩm được hơn 10 cơ quan báo chí sử dụng đăng tải/phát sóng", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu cụ thể.
Bám sát tâm lý người dân
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, những sự nỗ lực, cố gắng, cống hiến hết mình của nhân viên y tế và các lực lượng tuyến đầu trên mọi miền Tổ quốc; sự chi viện, hỗ trợ của các đơn vị y tế trên toàn quốc đã được thông tin đầy đủ đến người dân và cộng đồng, góp phần cổ vũ, động viên lực lượng này hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, với Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 năm 2021-2022, bắt đầu từ tháng 7/2021, người đứng đầu ngành y tế nêu rõ, đây là một hoạt động quan trọng trong năm 2021. Đặc biệt, việc tiêm chủng loại vaccine mới, được phát triển chưa lâu đòi hỏi ngành y tế phải tiếp cận một cách cẩn trọng, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân.
Do vậy truyền thông về tiêm chủng bám sát các xu hướng tâm lý người dân, khuyến cáo người dân chủ động, ủng hộ, tích cực tham gia tiêm chủng vaccine an toàn; cập nhật liên tục thông tin về các vaccine được tiêm chủng tại Việt Nam, hướng dẫn theo dõi sức khỏe và phản ứng sau tiêm chủng; xử lý các khủng hoảng truyền thông và thông tin sai lệch về tiêm chủng vaccine COVID-19.
Ngành y tế đã phát huy minh bạch hóa và chủ động thông tin, phát huy sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng, sự thâm nhập và lan tỏa của hệ thống tuyên giáo để truyền thông tới người dân các nội dung phòng, chống dịch thông qua các đoàn thể chính trị-xã hội, các tổ COVID cộng đồng, góp phần vào những thành công chung cuả công tác phòng chống dịch./.