Bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố về việc tăng cường giám sát phòng chống dịch bệnh do virus Ebola- một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao (có thể tới 90% số ca bệnh).
Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người, động vật mắc bệnh.
Theo Bộ Y tế, virus Ebola gây ra vụ dịch đầu tiên trên thế giới tại Sudan vào năm 1976 với hơn 600 người mắc.
Từ đó đến nay dịch đã xảy ra tại 11 quốc gia châu Phi. Đặc biệt từ tháng 12/2013 đến 30/7/2014, thế giới đã ghi nhận 1.323 người mắc, trong đó có 729 người tử vong tại 4 quốc gia vùng Tây Phi là: Guinea, Leberia, Sierra Leone và Nigeria.
Riêng trong 8 ngày (từ 24/7 đến 31/7 vừa qua) đã có 122 người mắc bệnh do virus Ebola gây ra, trong đó 57 người đã tử vong.Đến nay dịch bệnh chưa có dấu hiệu giảm tại các quốc gia vừa nêu và có nhiều nguy cơ lan truyền sang các quốc gia khác.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh do virus Ebola gây ra, không để xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước quan tâm chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn triển khai ngay các biện pháp sau đây: Chỉ đạo Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại cửa khẩu để giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, lưu ý những người đến từ các quốc gia có dịch bệnh, đồng thời thực hiện tốt việc giám sát tại cộng đồng và tại các cơ sở y tế. Khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do virus Ebola gây ra và có tiền sử đi về từ vùng có dịch trong vòng 21 ngày cần thực hiện ngay các biện pháp cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hoặc Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh để xét nghiệm khẳng định.
Chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, phòng cách ly, trang thiết bị, thuốc, hóa chất trong dự phòng và điều trị bệnh do virus Ebola gây ra.
Đặc biệt lưu ý túi phòng hộ cá nhân như khẩu trang N95, bộ quần áo phòng chống dịch cho nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân và người người tiếp xúc gần bệnh nhân.
Tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân tại các cơ sở y tế có đủ điều kiện đảm bảo tránh lây lan và hạn chế tối đa tử vong nếu phát hiện bệnh nhân. Có kế hoạch bố trí giường bệnh, cơ sở y tế điều trị khi có số lượng lớn bệnh nhân. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế và người tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ hoặc đã xác định mắc bệnh, không để lây bệnh cho nhân viên y tế, các bệnh nhân khác trong bệnh viện cũng như cộng đồng.
Kiện toàn các đội chống dịch, đội cấp cứu cơ động, sẵ sàng làm nhiệm vụ khi cần thiết. Tổ chức tuyên truyền để người dân không hoang mang lo lắng, nhưng cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh khi cần thiết theo khuyến cáo của Bộ Y tế./.