Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp của Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực được tổ chức chiều 23/8.
Không thi sẽ không học!
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định: “Phải thi, không thi học sinh không học”. Lý giải thêm, PGS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, nếu không thi mà xét học bạ, trong khi điểm học bạ mỗi vùng miền, trường học khác nhau sẽ dẫn tới tiêu cực. “Cơ bản kỳ thi như năm vừa rồi, nên ổn định, không nên thay đổi nữa”.
Từ thực tế quá trình giảng dạy và đánh giá học sinh, cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hoà (Hà Nội) nêu quan điểm, nếu không tổ chức kỳ thi thì không chỉ học sinh không có động lực học tập, mà các thầy cô cũng không nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học.
“Kết quả của mỗi kỳ thi không chỉ thể hiện qua điểm số mà bản thân các thầy cô, học sinh qua đây cũng rèn luyện kỹ năng, ý chí để vượt qua thử thách. Mỗi giáo viên, học sinh đều có nhu cầu được đánh giá đúng năng lực của mình thông qua kết quả kỳ thi. Vì vậy, kỳ thi là rất cần thiết”, cô Nguyễn Thị Nhiếp trao đổi.Nhìn nhận từ góc độ hệ thống giáo dục, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT giúp chúng ta đánh giá được hệ thống giáo dục. Đây còn là cơ sở, động lực thúc đẩy, tạo ra sự tiến bộ trong quá trình dạy và học của cả thầy cô giáo và học sinh.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng nhấn mạnh: Không tổ chức kỳ thi chúng ta không kiểm soát được việc dạy và học, đặc biệt là những định hướng đổi mới trong giáo dục.
“Cần thi và tiếp tục những thành tựu Bộ GD-ĐT đã đạt thời gian qua” là khẳng định của GS Nguyễn Lân Dũng. Làm rõ thêm quan điểm của mình, GS Nguyễn Lân Dũng cho hay, nếu hỏi các nước trên thế giới có thi không, “câu trả lời là có”. Việc thi là cần thiết, vì không thi học sinh sẽ không học, thi trên một diện rộng còn để đánh giá được môn nào đang dạy và học tốt, môn nào chưa tốt để rút kinh nghiệm.
GS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục nêu quan điểm, không có lí do gì để thay đổi kỳ thi. Kỳ thi là đợt tổng rà soát lại toàn bộ chương trình giáo dục nên không thể không thi. Còn trường đại học khi được tự chủ tuyển sinh, có thể dẫn tới trăm hoa đua nở và có thể lại quay về những vấn đề cũ.
“Phải thi, muốn khám sức khỏe giáo dục phải thi, phân tích kết quả đến từng trường, từng địa phương” là ý kiến của TS Hoàng Ngọc Vinh. Còn TS Lê Đông Phương nhìn nhận ngắn gọn: “Năm nay, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT đưa ra so sánh giữa điểm thi và điểm học bạ, kết quả so sánh cho thấy, học bạ không "đơn giản" nên phải duy trì kỳ thi”.
Hiện đại hóa, chuẩn hóa kỳ thi là đúng hướng, khả thi
Nhìn lại 6 năm đổi mới kỳ thi, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM cho biết, năm 2016 kỳ thi được tổ chức ngay tại nơi học tập của học sinh, đây là sự thay đổi đúng đắn, tạo sự công bằng cho học sinh. Đề thi mấy năm nay cũng được cải thiện nên rất yên tâm cho tuyển sinh. “Tôi rất ủng hộ phương án thi hiện nay, dần dần chuyển sang thi máy tính, nhẹ nhàng hơn. Vì người dân nghèo, vì sự công bằng nên tổ chức kỳ thi”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói.
Phân tích trên 3 nguyên lý giáo dục cơ bản: Học và thi; phi tập trung hoá, phân cấp, bảo đảm độc lập giữa người tổ chức thi và người sử dụng kết quả thi; tính liên ngành và ứng dụng công nghệ 4.0, theo GS.TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, giữ ổn định và hiện đại hoá, chuẩn hoá phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT là hướng đúng, khả thi.
Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được quy định trong Luật Giáo dục 2019 nhằm đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông trên cả nước.
Nhìn lại kỳ thi THPT năm nay dù tỷ lệ đỗ trên 90% nhưng theo ông Phạm Tất Thắng, ở từng môn học cụ thể kết quả vẫn đặt ra những vấn đề cần tiếp tục xử lý. Như vậy, không chỉ học sinh bị ảnh hưởng nếu không tổ chức kỳ thi mà bản thân các thầy cô giáo cũng không có được động lực đổi mới hoạt động giảng dạy.
“Chúng ta cũng cần giữ ổn định kỳ thi, tránh việc tạo áp lực thay đổi đối với xã hội. Kỳ thi phải đảm bảo chính xác, khách quan, công bằng, không gây áp lực cho thí sinh, tốn kém cho xã hội; đồng thời đánh giá được chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông”, ông Phạm Tất Thắng nhấn mạnh.
Phát biểu tiếp thu ý kiến của các thành viên HĐQGGD&PTNL, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, qua 6 năm đổi mới thi, đánh giá, kỳ thi được hoàn thiện theo hướng năm sau tốt hơn năm trước. Năm 2020, mặc dù khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhưng tiến trình đổi mới kỳ thi vẫn theo xu hướng tốt, kiên định, kỳ thi đã được tổ chức thành công.
“Qua ý kiến của các thành viên Hội đồng, Bộ GD-ĐT tiếp thu và cho rằng phương thức thi tốt nghiệp THPT cần giữ ổn định”, Bộ trưởng nói, đồng thời nhấn mạnh: “Kỳ thi năm 2021 sẽ giữ ổn định như năm 2020, vì vậy, các em học sinh, giáo viên và phụ huynh có thể yên tâm chuẩn bị cho kỳ thi”.
Những năm tiếp sau, theo Bộ trưởng, tinh thần là ổn định, chỉ tập trung nghiên cứu áp dụng công nghệ vào kiểm tra, đánh giá cho phù hợp; thí điểm, tiến tới mở rộng hình thức thi trên máy tính. Đồng thời, chú trọng phát triển ngân hàng câu hỏi phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông./.