Liên quan đến các vụ phá rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú mà VOV liên tục phản ánh trong thời gian qua, Sở NN&PTNT Bình Thuận vừa báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận kết quả kiểm tra, xác minh hiện trường.

Báo cáo cũng nêu rõ việc kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể và cá nhân liên quan đã để xảy ra tình trạng này.

bt3_vov_wbun.jpg
Các đối tượng dùng cưa máy để phá rừng Tà Cú tại nhiều vị trí thuộc địa bàn xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam

Sở NN&PTNT Bình Thuận đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp cùng các đơn vị chức năng đến kiểm tra các khu vực rừng bị đầu độc và cưa phá tại tiểu khu 302a và 299 Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, thuộc địa bàn xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam.

Sở NN&PTNT Bình Thuận khẳng định thông tin phản ánh của Đài Tiếng nói Việt Nam hoàn toàn có cơ sở. 

Kiểm lâm địa bàn và Trưởng trạm bảo vệ rừng Tân Thuận đang đo gốc gây trâm bị cưa hạ ở tiểu khu 299

Cơ quan chức năng của tỉnh Bình Thuận xác định có nhiều vị trí tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú xảy ra nạn phá rừng.

Toàn bộ diện tích hơn 1,256 ha rừng bị phá ở tiểu khu 302a và tiểu khu 299 đều nằm tiếp giáp với diện tích đất lâm nghiệp đã bị các hộ dân lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp trước đây thuộc địa giới hành chính xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam.

Từng vụ việc đã được Ban quản lý Khu bảo tồn Tà Cú phát hiện, lập hồ sơ khác nhau trong khoảng thời gian từ ngày 10/7 đến 12/9 và ngày 23/9/2018; nhưng về tính chất, thủ đoạn, mục đích, phương tiện thực hiện hành vi phá rừng là như nhau.

Rừng Tà Cú liên tiếp bị triệt hạ trong thời gian qua nhưng không được ngăn chặn kịp thời

Đó là lợi dụng thời điểm không có lực lượng bảo vệ rừng, các đối tượng đem cưa máy vào hạ cây từ bìa rừng vào, rồi nhanh chóng rút khỏi hiện trường khi phát hiện có lực lượng tuần tra, kiểm tra. Mục đích chặt hạ là để lấy đất sản xuất, không có dấu hiệu lấy lâm sản.

Tổng diện tích rừng bị chặt phá và tác động cho cây rừng chết là 1,256 ha đã vượt khung xử lý hành chính.

Xét thấy thủ đoạn, hành vi này cần phải được chặn đứng và nghiêm trị nhằm bảo vệ có hiệu quả diện tích rừng quý giá của khu bảo tồn này, theo Sở NN&PTNT Bình Thuận, cần phải củng cố hồ sơ, đề nghị khởi tố vụ án hình sự, điều tra làm rõ đối tượng vi phạm, xử lý theo quy định của pháp luật.

Khu rừng bị đầu độc chết khô ở khu Láng Mã, tiểu khu 302 Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, tỉnh Bình Thuận

Trong khi chờ kết quả điều tra của công an, trước mắt Sở NN&PTNT Bình Thuận yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân để xảy ra các vụ phá rừng tại tiểu khu 299 và tiểu khu 302a.

Sở cũng đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận xem xét, chỉ đạo UBND huyện Hàm Thuận Nam kiểm điểm trách nhiệm của chính quyền xã Tân Thuận và trách nhiệm của người đứng đầu UBND xã vì đã để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất nông nghiệp kéo dài trên địa bàn hành chính xã quản lý nhưng không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời./.

Cụ thể các khu vực rừng bị phá:

Khu vực Núi Đất: diện tích cây rừng bị chặt hạ còn nằm tại cội là 0,42ha (trữ lượng gỗ thiệt hại 0,404m3) thuộc lô 5, khoảnh 4, tiểu khu 302a.

Tại khu vực Láng Mã: diện tích bị đầu độc làm cây chết là 0,397ha, thuộc lô 7, khoảnh 5, tiểu khu 302a.

Tại khu vực Giồng Láng Mã: diện tích cây rừng bị chặt hạ còn nằm tại cội là 0,13ha (trữ lượng gỗ thiệt hại 0,441m3) thuộc lô 10, 12, khoảnh 5, tiểu khu 302a.

Tại khu vực Láng Cóc: có 2 cụm diện tích cây rừng bị chặt hạ còn nằm tại cội là 0,27ha (trữ lượng gỗ thiệt hại 1,89m3) thuộc lô 7, khoảnh 5, tiểu khu 302a.

Tại khu vực láng Cỏ Nổ: diện tích rừng bị chặt phá là 0,039ha thuộc lô 18, khoảnh 7, tiểu khu 299.