Khi sự việc xảy ra, hàng loạt vấn đề nảy sinh. Trong đó, các ngư dân, gia đình của họ và chủ tàu gánh chịu thiệt hại nặng nề.

57 ngư dân tỉnh Bình Thuận được Indonesia trả về trong đợt gần đây nhất là các lao động đi trên 10 tàu cá của thị xã La Gi. Gặp chúng tôi sau 4 ngày được đoàn tụ với gia đình, ông Hoàng Văn Thành, 45 tuổi, nhà ở xã Tân Phước cho biết ông là bạn thuyền làm việc cho tàu cá BTh 97974 TS. Lúc xuất bến La Gi, trên tàu có 11 người. Bây giờ 8 người đã được về, còn 3 người bị giữ lại.

ngu_dan_yyxj.jpg
57 ngư dân (của 10 tàu cá thị xã La Gi) được bàn giao về lại địa phương

Ông Thành kể: “Tàu tôi rời bến ngày 4/7, sau đó làm được khoảng 20 ngày thì bị bắt, đó là ngày 24/7. Người ta đưa chúng tôi về Indonesia, cụ thể là đảo Natuna. Họ đối xử cũng đàng hoàng, không đến nỗi gì. Chúng tôi được về ngày 13/9. Khi làm lễ có ông Đại sứ Hoàng Anh Tuấn cũng đi qua an ủi chúng tôi, khuyên lần sau đừng có qua nữa”.

Ông Thành cũng như một số thuyền viên khác đến nay vẫn đinh ninh rằng họ đánh bắt trong vùng biển Việt Nam. Sau khi tổ chức vây bắt, lập biên bản, lực lượng chức năng của Indonesia đưa các tàu cá và ngư dân Bình Thuận về Indonesia.

Các tàu cá này sau đó bị phá hủy hoàn toàn, còn người thì bị tạm giữ. Ngày 13/9, qua kênh ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia, ông Thành cùng 56 ngư dân Bình Thuận đã được trả về trong đợt trao trả 228 ngư dân Việt Nam.

Ngư dân Hoàng Thanh Hải đang ở nhờ nhà người quen tại thị xã La Gi

Ông Hoàng Thanh Hải, thuyền viên của tàu cá BTh 98602 cũng được trả về trong chuyến này. Nhà ông Hải ở thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong, cách thị xã La Gi 200 km đường bộ. Mặc dù đã về nước, nhưng mấy hôm nay, ông vẫn chưa về Tuy Phong thăm vợ thăm con.

Ông cho biết, cuộc sống gia đình rất khó khăn; vợ và 4 con nhỏ cùng người cha già neo đơn, trông chờ vào nghề “đi bạn” của ông. Làm công cho ghe cá La Gi, bị bắt mấy tháng nay, ông không có 1 xu dính túi. Tàu cá này cũng đã bị phá hủy, ông mất luôn công ăn việc làm. Hiện tại, ông Hải tiếp tục ở nhờ nhà người quen gần cảng cá La Gi chờ ai thuê gì làm đó, đến lúc có tiền mới trở về nhà.

Dù thế nào, những người như ông Hải vẫn còn may mắn vì đã được trả về nước. Hiện thị xã La Gi còn hơn 100 người đang bị giữ lại ở Indonesia và Malaysia. Chỉ những bạn thuyền là lao động làm thuê được thả; còn lại thuyền trưởng, máy trưởng và đại diện chủ tàu không được phép về, họ tiếp tục ở lại và có khả năng chịu án tù theo luật của nước sở tại.

Những ngày qua, làng chài phường Phước Hội đượm buồn. Những người vợ, những người mẹ, có chồng và con chưa về, ngồi tụm ba tụm bảy, an ủi nhau, nóng lòng chờ tin.

Bà Nguyễn Thị Liễm có chồng và 4 đứa con trai làm công cho tàu cá BTh 97729, nhưng hiện chỉ có 3 người được trả về. Hai người con là Nguyễn Đình Sinh (26 tuổi) và Nguyễn Đình Nhất (19 tuổi) vẫn còn bị giữ lại ở Indonesia, giờ này không biết ra sao.

Người thân ở thị xã La Gi, Bình Thuận mòn mỏi đợi tin những người còn bị giữ lại Indonesia

Thiệt hại từ việc vi phạm lãnh hải nước ngoài là rất lớn. Thế nhưng, trong những năm qua, tình trạng này không giảm. Từ năm 2011 đến nay, thị xã La Gi có tất cả 38 tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, chủ yếu vi phạm lãnh hải Indonesia và Malaysia. Riêng từ đầu năm đến nay có đến 16 tàu, với 138 ngư dân bị bắt giữ.

Để hạn chế tình trạng này, địa phương sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền cho ngư dân về vấn đề chủ quyền biển đảo và các quy định pháp lý trên biển giữa Việt Nam và các nước liên quan. Ngư dân nhận thức đúng sẽ tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra.

Ông Võ Văn Hoàn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã La Gi cho biết: “Thị xã cũng như tỉnh đang nghiên cứu chế tài, để nếu chiếc tàu nào vi phạm lãnh hải nước ngoài thì không cho thụ hưởng các quyền lợi từ chính sách bảo hộ của Nhà nước. Chúng tôi đã nghiên cứu và có đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh, sẽ có chế tài nhất định trong lĩnh vực này để hạn chế việc vi phạm của bà con ngư dân”.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cùng các ngành liên quan cũng đang tìm hướng giải quyết những vấn đề liên quan đến các tàu cá của địa phương bị nước ngoài bắt giữ.

Bên cạnh việc đề nghị Bộ Ngoại giao can thiệp, giúp đỡ, để nước ngoài trao trả các ngư dân sớm đoàn tụ với gia đình, tỉnh Bình Thuận cũng sẽ áp dụng các biện pháp mạnh đủ sức răn đe đối với các trường hợp cố tình vi phạm lãnh hải nước ngoài trong quá trình đánh bắt hải sản ở vùng biển xa./.