Hồ Núi Một, ở huyện An Nhơn là một trong 15 hồ chứa thủy lợi lớn nhất tỉnh Bình Định với dung tích thiết kế 110 triệu mét khối nước, phục vụ nước tưới cho khoảng 8.000 ha lúa. Được xây dựng năm 1980 nhưng hơn 30 năm qua do thiếu kinh phí sửa chữa, nên nhiều hạng mục của công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, cống lấy nước bê tông bị mục nát, hoen gỉ.
ho%20chua%20nuoc.jpg
Nhiều hồ chứa nước ở một số tỉnh có nguy cơ bị vỡ (ảnh minh họa)
Ông Trần Văn Cấn, Tổ trưởng tổ vận hành, bảo dưỡng, hồ Núi Một lo lắng:  "Qua kiểm tra nhiều lần, toàn bộ phần sắt trong tháp cống này và phần bê tông hư hết".

Tỉnh Bình Định hiện có hơn 160 hồ chứa thủy lợi lớn nhỏ với tổng dung tích thiết kế hơn 580 triệu m3 nước. 
Ông Đinh Văn Dậu, Phó Giám đốc Công ty khai thác Công trình thủy lợi tỉnh Bình Định cho biết, sau nhiều lần sửa chữa, nâng cấp theo kiểu chắp vá không đảm bảo an toàn, năm 2011, Công ty đã làm Đề án xây dựng lại đập mới, sửa chữa, nâng cấp các cổng lấy nước của hồ Núi Một… Theo Đề án, kinh phí sửa chữa lên đến 50 tỷ đồng là quá lớn, nên "lực bất tòng tâm". Ông Đinh Văn Dậu, Phó Giám đốc Công ty Khai thác Công trình thủy lợi Bình Định cho biết, không chỉ xuống cấp, tình trạng lấn chiếm hành lang phía hạ lưu hồ Núi Một cũng làm giảm khả năng tiêu thoát lũ trong mùa mưa bão.

Tỉnh Bình Định có 37 trong tổng số hơn 160 hồ chứa nước đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Hầu hết các hồ được xây dựng từ lâu, đến nay nước thẩm lậu, thấm qua thân đập, cống lấy nước bị lún, xói lở mái đập thượng lưu, tràn xả lũ bị xói lở tạo thành các rãnh sâu thấm vào thân tràn... Qua kiểm tra 133 đập đất đã có 90 đập bị nước thấm qua nền, 50 đập có mái thượng lưu chưa được gia cố bằng vật liệu cứng; cống lấy nước của hơn 30 hồ đập vận hành khó khăn, nguy hiểm cần được nâng cấp, thay thế. Ngoài ra toàn tỉnh còn có 46 hồ chứa có tràn xả lũ trên nền đất tự nhiên bị xói lở nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn. Trước thực trạng này, tỉnh Bình Định chỉ đạo các địa phương khẩn trương gia cố lại các hồ đập, chuẩn bị sẵn sàng vật tư, vật liệu với phương án 4 tại chỗ, chủ động ứng phó trong mùa mưa bão năm nay. Ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: "Để chuẩn bị cho công tác phòng chống bão lụt của năm nay, chúng tôi đã kiện toàn củng cố ban chỉ đạo phòng chống lụt bão cấp tỉnh và cấp huyện. Đồng thời, xây dựng phương án phòng chống lụt bão, trong đó tập trung kiểm tra các hồ chứa. Hồ chứa nào chất lượng kém, không đảm bảo chứa nước trong mùa mưa này sẽ không cho phép chứa nước. Hồ nào cần sửa chữa, phải có phương án sửa chữa củng cố ngay để đảm bảo cho công tác phòng chống lụt bão".Đã vào mùa mưa bão, người dân sống gần khu vực có hồ đập mong muốn chính quyền và ngành chức năng tỉnh Bình Định có giải pháp đảm bảo an toàn hồ đập, bảo vệ cuộc sống người dân vùng hạ du./.