Về những ồn ào xung quanh thông tin “bảo kê” cho cát tặc tại Phúc Thọ trong thời gian qua, nhất là với thông tin để xảy ra vụ việc này là do chính quyền cơ sở lơ là, chưa làm hết trách nhiệm, tại cuộc tọa đàm “Mãi mãi niềm tin theo Đảng” do báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức sáng nay (22/1), ôngNgọ Duy Hiểu, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ, Hà Nội cho rằng, khi Bộ Công an họp có thông tin về việc có dấu hiệu của bảo kê và cưỡng đoạt tài sản, rất nhiều người nghĩ ngay đến đó là sự bảo kê của chính quyền. Nhưng thực chất, đó là hành vi của đối tượng cầm đầu có tên là Nguyễn Hữu Toàn (sinh năm 1973)-đối tượng đứng ra bảo kê và tập hợp rất nhiều người từ nơi khác đến để bảo kê đồng thời cưỡng đoạt tài sản. Đến thời điểm hiện nay, lực lượng chức năng vẫn chưa bắt được đối tượng Nguyễn Hữu Toàn để có thể làm rõ hơn.

ngo_duy_hieu_wxgd.jpg Ông Ngọ Duy Hiểu,  Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ, Hà Nội
“Trước thông tin cán bộ chính quyền các cấp có bảo kê hay không, đến giờ phút này chúng tôi cũng chưa đủ căn cứ để kết luận là hoàn toàn không. Chúng tôi vẫn đề nghị, các đồng chí công an tiếp tục làm rõ, nếu có thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”- ông Ngọ Duy Hiểu khẳng định.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, việc khai thác cát trái phép trên sông Hồng đã diễn ra trong nhiều năm và không tập trung ở địa điểm nhất định nào. “Theo các đồng chí lãnh đạo cũ báo cáo thì khai thác cát đã diễn ra cách đây 5-7 năm. Khi tôi về, xuống cơ sở thì tại các xã ven sông, bà con đã rất bức xúc. Vì về việc này thì ngoài việc khai thác cát trái phép thì còn có biểu hiện của việc cưỡng đoạt tài sản, thậm chí còn có hành vi gây thương tích, đòi nợ thuê… rất phức tạp”.

Ông Hiểu cho biết, lãnh đạo huyện đã tổ chức họp nhiều lần và cũng làm việc với Công an Thành phố rất nhiều lần, gửi công văn đến Công an Thành phố, Sở Tài nguyên -Môi trường rất nhiều lần để tập trung xử lý. Theo ông Hiểu, trong việc tổ chức của cơ quan công an hiện nay, ở cấp huyện không có cơ cấu lực lượng cảnh sát đường thủy mà chỉ có ở cấp thành phố.  Khi cấp huyện không có lực lượng này thì cũng không có phương tiện kèm theo. Trong khi, cát tặc có tàu thuyền. Vì thế, huyện và xã chỉ làm tập trung vào một số việc như phát hiện, kiến nghị với các cơ quan chức năng… rồi làm việc.

Như tin đã đưa, trước đó, ngày 8/11/2014, 1 ban chuyên án của Bộ Công an đã tổ chức và bắt giữ, sau đó khởi tố và bắt giam một số đối tượng có hành vi nghiên cứu thăm dò và khai thác trái phép tài nguyên ở sông Hồng, đoạn thuộc địa bàn huyện Phúc Thọ và cả tỉnh Vĩnh Phúc./.