Thông tin tại“Hội thảo tham vấn dự thảo đề cương Thông tư về quấy rối tình dục tại nơi làm việc”,do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 26/5 tại Hà Nội cho thấy, với câu hỏi “Quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc là gì?” vẫn chưa có câu trả lời đầy đủ từ các cơ quan có thẩm quyền. Điều này dẫn đến việc không thể áp dụng các quy định khác có liên quan, người bị QRTD không biết kêu ai, còn người vi phạm vẫn “vô tư” thực hiện.
Thế nào là QRTD tại nơi làm việc?
Theo Vụ Pháp chế - Bộ LĐTBXH, ở Việt Nam cho đến nay chưa có số liệu thống kê và các con số chính thức về QRTD, cũng như chưa có một nghiên cứu toàn diện về vấn đề này. Tuy nhiên có thể thấy rằng, QRTD tại nơi làm việc là một vấn nạn, gây ảnh hưởng tâm lý, căng thẳng cho nạn nhân, dẫn đến môi trường không an toàn, giảm năng suất lao động và cần phải được ngăn chặn.
(Ảnh minh họa) |
Nghiên cứu cho thấy, đa phần nạn nhân bị QRTD là nữ, vì ngượng ngùng, lo ngại mất việc làm và rất nhiều lý do khác khiến họ im lặng. Tuy nhiên, có nạn nhân muốn tố cáo, nhưng họ không biết phải làm thế nào để khiếu nại vì theo luật hiện hành rất khó để nhận dạng rõ về các hành vi QRTD để có biện pháp xử lý.
Bà Nguyễn Thị Vân, chuyên viên Vụ Pháp chế cho biết, khái niệm QRTD tại nơi làm việc vẫn còn rất mơ hồ. Theo một báo cáo nghiên cứu của Bộ LĐTBXH và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, có tới 80% trong số các nạn nhân không hiểu rõ hình thức nào có thể được coi là QRTD.
“Nếu không có định nghĩa cụ thể từ phía các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì việc áp dụng các quy định khác về QRTD tại nơi làm việc trên thực tế là rất khó thực hiện. Bởi lẽ chính nạn nhân còn chưa hiểu thế nào là hành vi quấy rối thì làm sao bảo vệ được mình. Khi các doanh nghiệp chưa xác định được đâu là hành vi quấy rối thì sẽ rất khó xây dựng một quy tắc trong đơn vị mình về QRTD. Và khi chưa có định nghĩa cụ thể thì các cơ quan Nhà nước, đội ngũ thanh tra lao động cũng rất khó áp dụng pháp luật để xử lý các vụ việc khi có yêu cầu” – bà Vân nói.
“Bức tranh” về nạn QRTD tại Việt Nam
Theo một khảo sát, nghiên cứu nhanh vào năm 2012 do Bộ LĐTBXH và ILO tiến hành thực hiện trên 102 người là cán bộ các cơ quan quản lý Nhà nước, người lao động, sinh viên… cho thấy QRTD diễn ra khá phổ biến, ở mọi nơi, mọi môi trường với nhiều lứa tuổi. Phần lớn các nạn nhân bị QRTD tại nơi làm việc là nữ, chiếm 78,2%, trong khi nam giới chỉ chiếm 21,8%.
Tại một cuộc hội thảo được tổ chức trước đây, bà Nguyễn Diệu Hồng, chuyên gia về giới cũng công bố một nghiên cứu cho thấy, tình trạng QRTD tại nơi làm việc xảy ra không phân biệt nhóm tuổi hay ngành nghề, trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, người lao động có độ tuổi từ 18 – 30 bị quấy rối chiếm đa số.
Cũng theo Bộ LĐTBXH, các hành vi QRTD tại nơi làm việc ở Việt Nam cũng rất đa dạng và phong phú, từ những hành vi tiếp xúc cơ thể, đến những lời chọc ghẹo thiếu đứng đắn, ánh mắt, cử chỉ thô tục… Các dạng QRTD đánh đổi và QRTD tạo môi trường làm việc ghê sợ đều là những dạng QRTD phổ biến xảy ra ở nơi làm việc.
Tuy nhiên, những nạn nhân bị QRTD vẫn bị tư tưởng “phương Đông” chi phối khi ngại ngùng, xấu hổ, không dám vạch mặt hành vi QRTD và đành cam chịu. Chính vì vậy, QRTD dù rất phổ biến nhưng số vụ bị đưa ra xử lý rất ít.
Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Trịnh Trung Hòa: “Ngay cả các nước phát triển như Mỹ, Pháp… thì vấn đề xử lý QRTD cũng rất khó khăn vì không có bằng chứng. Hơn nữa, người bị quấy rối cũng không dám tố cáo vì sợ bị trù úm, trả thù, bởi hầu hết người QRTD là sếp, người bị quấy rối là nhân viên cấp dưới”.
Cần có định nghĩa rõ ràng về QRTD
Theo đề xuất của Vụ Pháp chế, Bộ LĐTBXH, điều quan trọng là cần hoàn thiện pháp luật lao động về QRTD tại nơi làm việc. Cần có một định nghĩa rõ ràng về QRTD tại nơi làm việc; có quy định về trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo tại nơi làm việc trong đó có khiếu nại, tố cáo về QRTD.
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế nhấn mạnh: “Một trong những lý do khiến QRTD khó được giải quyết triệt để là nạn nhân của QRTD không biết khiếu nại, tố cáo ở đâu, như thế nào; các cơ quan quản lý Nhà nước cũng gặp không ít khó khăn vì không biết giải quyết khiếu nại, tố cáo theo trình tự, thủ tục như thế nào. Do đó, pháp luật cần lấp đầy những lỗ hổng này để tạo điều kiện cho nạn nhân của QRTD tại nơi làm việc có thể tự bảo vệ được quyền và lợi hợp pháp của mình”.
Đại diện Vụ Pháp chế cũng cho rằng, một công việc vô cùng quan trọng tại thời điểm này là tiến hành một cuộc điều tra, khảo sát toàn diện ở quy mô lớn về QRTD. Vì hiện nay, Việt Nam chưa có số liệu thống kê và con số chính thức về QRTD. Đây là cơ sở quan trọng cho việc hoàn thiện luật pháp, cũng như các biện pháp tổ chức thực hiện trên thực tế./.