Vừa qua, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam. Bộ quy tắc nhằm giúp giải quyết những điểm vẫn chưa được pháp luật hướng dẫn cụ thể trong phòng chống vấn đề này.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, bà Lê Thị Mộng Phượng, chuyên gia nghiên cứu độc lập thuộc Viện Xã hội học cho rằng, đã có nhiều nghiên cứu về quấy rối tình dục nơi công sở. Với Bộ Quy tắc này, sẽ rất khó thực hiện nếu như bên cạnh đó không có chế tài xử phạt; cũng như khái niệm rõ ràng về “quấy rối tình dục” và đối tượng bị quấy rối.

Đàn ông có là đối tượng bị quấy rối?

Theo bà Mộng Phượng, người thực hiện hành vi quấy rối tình dục thường có chức, có quyền. Thông thường nói đến đối tượng bị quấy rối, dư luận đều nghĩ đó là phụ nữ. Mà tâm lý phụ nữ thường e ngại, không muốn “vạch áo cho người xem lưng”, nên rất ít người dám tố cáo. Bởi vì sau khi tố cáo có thể họ bị mất việc, trù úm.

20130204090222_quayroi3_wljd.jpg
Nam giới cũng là đối tượng bị quấy rối tình dục (Ảnh minh họa)

“Bản thân tôi thời kỳ còn đi làm đã chứng kiến rất nhiều cảnh này. Thậm chí tôi phải đứng ra bảo vệ những người phụ nữ dưới quyền của mình. Sau đó bản thân tôi bị trù úm. Nhưng tôi cho rằng họ trù úm mình thì mình cũng không cần. Thử hỏi những phụ nữ như công nhân, những người có sinh kế gắn liền với công việc đó, lại xinh đẹp, sếp đi qua đi lại hoặc rủ rê đi chỗ này chỗ nọ; hoặc ở ngay công sở thì các sếp vuốt ve vào chỗ nọ chỗ kia, thậm chí có người rất thích sàm sỡ thì có ai dám tố cáo không?” – chuyên gia Mộng Phượng chia sẻ.

Bà Mộng Phượng phân tích thêm: Xã hội đang tích cực hội nhập, do đó không chỉ riêng phụ nữ mà nam giới cũng là đối tượng bị quấy rối tình dục, nhất là những anh chàng đẹp trai hoặc trẻ em đường phố. Những “ông sếp” đồng tính chẳng hạn, thì có nên đưa vào quy tắc hay không? Ở đây là bình đẳng giới và chúng ta cần nói tới cả hai giới.

“Bên cạnh đó, có những người phụ nữ là sếp nhưng lại thích cấp dưới của mình, bất kể nam hay nữ, từ đó có hành vi “đụng chạm” thì có phải là lạm dụng, quấy rối không? Nhiều phụ nữ có thể ở nhà chồng không đáp ứng được hoặc không có những cái mà họ nhìn thấy ở đồng nghiệp, thì có thể dùng quyền lực của mình để quấy rối cấp dưới. Do đó đối tượng bị quấy rối tình dục phải đặt ra cả hai giới và với người đồng tính nữa” – bà Mộng Phượng phân tích.

Quấy rối hay đồng thuận?

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần quy định rõ thế nào quấy rối tình dục, hay hành vi sàm sỡ, kể cả việc để tranh ảnh “mát mẻ” hoặc có lời nói, cử chỉ “có vấn đề” trước mặt đối tượng. Rồi chuyện ai sẽ là người nhắc nhở, thậm chí xử phạt đối tượng có hành vi trên. Bằng chứng về hành vi này cũng rất quan trọng để tố cáo, thế nhưng những cử chỉ “vuốt ve” chỉ thoáng qua trong chốc lát, khiến người bị quấy rối không kịp ghi lại. Kể cả việc khẳng định đây là hành vi quấy rối hay có sự đồng thuận cũng cần phải làm rõ.

Chuyên gia Mộng Phượng ví von: “Ví dụ tôi thích ông sếp thật sự vì ông ấy đẹp trai phong nhã, hơn hẳn chồng tôi, vì thế tôi cũng muốn “mơi mơi”, ăn mặc hở hang, đi lại, động chạm, đong đưa ánh mắt tín hiệu “mời chào”. Tôi muốn tấn công sếp để đạt được mục đích của mình nhưng sếp không thích, thế là tôi trả thù bảo là ông ấy sàm sỡ. Như vậy thì hiểu như thế nào? Cần làm rõ như thế nào là quấy rối, đồng thuận, hai bên thích nhau, chứ quy tất cả ra quấy rối cả thì không đúng”.

Chống quấy rối tình dục như thế nào?

TS Bùi Thị Mai Đông, Trưởng Khoa công tác xã hội, Học viện Phụ nữ cho rằng, nhiều phụ nữ chỉ dám chia sẻ với nhau khi chứng kiến hoặc từng là nạn nhân của những hiện tượng như vậy. Thông thường là những tin nhắn, những lời rủ rê mời mọc “có gợi ý”, không chỉ ở những cô gái trẻ mà ngay cả với những chị lớn tuổi.

Theo bà Mai Đông, người phụ nữ có dám lên tiếng hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố: thứ nhất là dân chủ trong cơ quan đó, thứ hai họ phải hiểu về quyền của mình. Với những cơ quan chưa thực sự dân chủ, người phụ nữ chưa tự tin lắm, thiếu hiểu biết thì họ sẽ che giấu, đây là điều rất có hại. Công đoàn ở nơi làm việc cần triển khai Bộ Quy tắc này là tốt nhất. Phải tạo ra sự dân chủ thì người bị quấy rối mới dám công khai tố cáo được.

Bà Mộng Phượng cho rằng, muốn chống được quấy rối tình dục phải đưa vào quy định của cơ quan, hoặc phải tập huấn, giới thiệu hoặc chỉ định một nhóm người nào đó giám sát chuyện này. Song ai là người đứng ra giám sát hay nhắc nhở? Mà đối tượng có “máu dê” thì sẽ có cách đối phó để không bị người giám sát phát hiện./.

Theo ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ-TB-XH, trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều bước tiến trong việc xây dựng khung pháp lý và chính sách phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, bảo vệ nạn nhân và trừng phạt các hành vi bạo lực trên cơ sở giới. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những khoảng trống về cơ chế, chính sách và biện pháp can thiệp  trong thực hiện phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam. 

Ông Phạm Ngọc Tiến cho rằng, một số hành vi, định nghĩa như “quấy rối tình dục”, “bạo lực giới”, “bạo lực giới với người đồng tính, chuyển giới”… vẫn chưa chưa rõ ràng nên khó áp dụng để xử phạt.