Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, bệnh tay - chân - miệng hiện đang diễn biến rất khó lường, chỉ trong 2 tháng 8 và 9 tỉnh này ghi nhận hơn 940 ca mắc bệnh, tăng gấp nhiều lần so với những tháng trước.

Trong 9 tháng của năm 2018, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ghi nhận hơn 1.800 ca mắc bệnh tay - chân - miệng, riêng trong tháng 9 số ca bệnh tăng đột biến với hơn 600 ca mắc, tăng hơn 260 ca so với tháng trước đó.

c1_lciq.jpg

Bệnh tay chân miệng ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu diễn biến phức tạp.

Qua phân tích dịch tễ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ ghi nhận 4 trường hợp nhập viện ở độ 2B với kết quả âm tính, không có ca bệnh nặng độ 3 và 4. Trước đây, bệnh tay - chân - miệng chỉ xuất hiện ở địa bàn TP. Vũng Tàu (chiếm 61% số ca của toàn tỉnh), nhưng hiện nay bệnh này gia tăng ở các huyện Xuyên Mộc, Châu Đức, Côn Đảo và thị xã Phú Mỹ.

Trước thực trạng trên, ngành y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khuyến cáo, các cơ sở mầm non trên địa bàn phải thực hiện tổng vệ sinh trước khi đón trẻ, thường xuyên vệ sinh đồ chơi của trẻ ở trường, ở nhóm trẻ, rửa tay bằng xà phòng trước khi tiếp xúc với trẻ.

Khi phát hiện trẻ có những triệu chứng như: sốt cao, nổi bóng nước ở lòng bàn tay, chân, đầu gối, vòm họng… phụ huynh không được lơ là, chủ quan phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Bác sỹ Nguyễn Thị Minh Hiếu, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm và ký sinh trùng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “Bệnh sốt xuất huyết có thể kéo dài 7 – 10 ngày nhưng bệnh tay - chân - miệng chỉ kéo dài trong 4 – 5 ngày đầu, nếu chúng ta hơi lơ là thì bé có thể chuyển độ nặng và khi đó diễn biến rất là nặng. Năm nay khu vực phía Nam có 6 ca tay chân miệng đã tử vong, do đó mọi người không được chủ quan”./.