Quảng trường 10/8 vốn là nơi vui chơi giải trí của thị xã Ayun Pa nhưng hai ngày nay đã trở nên vắng vẻ. Các tuyến phố trong thị xã hiếm khi mới thấy một chiếc xe chạy qua. Trên tuyến phố Lý Thường Kiệt dài hơn 1km, thuộc tổ 4, phường Cheo Reo, ổ dịch của thị xã Ayun Pa, gần như mọi hoạt động buôn, bán kinh doanh đều đã ngừng lại.

Ông Nguyễn Thành Tú, 47 tuổi, chuyên sửa chữa xe ô tô, gắn máy tổ 4, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa, cho biết, gần Tết là thời điểm kinh doanh phát đạt, nay phải dừng lại, nhưng ai cũng thấy đó là điều cần thiết.

“Công việc mấy ngày nay thì cũng hơi khó khăn vì không có mấy người sửa chữa. Tôi cũng lo phải đóng cửa nhưng đã là vùng dịch thì ai cũng vậy thôi, phải vì cái chung cho mọi người”.

Lê Hồng Phong là một trong số những tuyến đường đông đúc hàng quán nhất, với hơn 20 quán ăn và cà phê, thế nhưng nay tất cả đều đóng cửa. Chị Trương Thị Lệ Trang, chủ quán cơm Huyền Trang cho rằng, dù việc đóng cửa chưa biết sẽ thực hiện trong bao lâu và thiệt hại kinh tế đến mức nào, nhưng gia đình chị cùng các hộ kinh doanh đều coi an toàn phòng dịch và sức khỏe là điều quan trọng hơn.

“Trước dịch thì quán cơm vẫn buôn bán bình thường nhưng khi dịch xảy ra thì cả thị xã bị phong tỏa, tình hình dịch thì vẫn diễn biến phức tạp. Để chung tay góp sức phòng chống dịch, tôi sẽ chấp hành nghiêm chỉ thị 16, quán sẽ không mở cửa buôn bán, nếu khách có nhu cầu thì tôi vẫn giao tận nhà”, chị Trang nói.

Ông Dương Ngọc Dũng, chủ tịch UBND phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa cho biết, cho đến nay, tại thị xã Ayun Pa đã có 12 chốt kiểm dịch với 95 cán bộ gồm các lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch. Riêng ổ dịch Cheo Reo có 5 chốt kiểm soát. Cùng với quyết tâm của chính quyền địa phương, mọi người dân tại vùng dịch đều tuân thủ nghiêm chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đẻ cùng với các địa phương của tỉnh Gia Lai nhanh chóng dập dịch./.