Mỗi ngày, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi phải xử lý từ 27-28 tấn rác thải sinh hoạt thải ra môi trường, cao điểm lên đến 40 tấn mỗi ngày. Do đó, việc phân loại rác thải tại nguồn sẽ góp phần bảo vệ môi trường, giảm chi phí xử lý. Mô hình “phân loại rác thải tại nguồn” được huyện Lý Sơn thực hiện thí điểm từ đầu năm 2019 tại 2 khu dân cư trên đảo, mục tiêu sẽ nhân rộng toàn huyện nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, do công tác triển khai thiếu đồng bộ ở nhiều khâu, gần 2 năm qua mô hình này chưa đạt được kết quả như mong đợi. Cả huyện mới chỉ có 17% hộ gia đình duy trì việc phân loại rác tại nguồn.
Sau khi được hướng dẫn cách phân loại rác tại nguồn, gia đình chị Nguyễn Thị Kim Liên, ở thôn Đông An Vĩnh bắt tay vào thực hiện việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Rác hữu cơ, rác vô cơ được chị Liên phân loại riêng biệt từng thùng chứa để tiện xử lý. Tuy nhiên, việc phân loại rác bị bỏ giữa chừng vì khâu thu gom của Nhà máy rác Lý Sơn chưa hợp lý.
"Trước kia tôi cũng phân 2 loại rác. Một loại dễ phân hủy và một loại khó phân hủy, tôi để riêng. Thế nhưng nhà máy thu gom người ta bỏ chung hết nên giờ nhà tôi cũng bỏ chung luôn"- Chị Liên cho biết.
Mô hình “phân loại rác thải tại nguồn” được huyện Lý Sơn thực hiện thí điểm từ đầu năm 2019 tại khu dân cư số 1 thôn Đông An Vĩnh và khu dân cư số 3 thôn Đông An Hải với hơn 520 hộ tham gia. Huyện Lý Sơn đã cấp phát gần 1.300 thùng rác và hàng ngàn poster phân loại rác, mở các lớp tập huấn hướng dẫn phân loại rác tại nguồn cho các hộ gia đình ở 2 khu dân cư này.
Thời gian đầu người dân thực hiện khá tốt, nhưng sau đó nhiều hộ bỏ ngang vì lý do Nhà máy xử lý rác Lý Sơn thuộc Công ty Đa Lộc không thu gom riêng biệt từng lọai rác được người dân phân loại, mà dồn chung nên nhiều hộ dân phản đối. Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, chỉ có 17% hộ gia đình duy trì việc phân loại rác tại nguồn.
"Bà con về phân loại rất là tốt nhưng Công ty dồn chung một loại. Ban đầu họ cũng hứa cuối tuần thu một ngày rác vô cơ nhưng họ không thực hiện, lại bỏ chung hết nên bà con rất bức xúc, không phân loại nữa. Phân loại rác tại nguồn rất có lợi cho bảo vệ môi trường nhưng Công ty Đa Lộc phải có sự phối hợp nhịp nhàng, để từng khu vực cho tốt"- chị Lê Thị Được, ở thôn Đông An Vĩnh bày tỏ.
Có nhiều nguyên nhân khiến mô hình phân loại rác tại nguồn ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi sau gần 2 năm vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Ông Phạm Văn Lợi, Phó Giám đốc Nhà máy xử lý rác Lý Sơn, cho biết từ khi thành lập đến nay, nhà máy có 2 đội thu gom rác thực hiện thu gom toàn bộ rác thải sinh hoạt trên đảo. Từ khi huyện thực hiện thí điểm mô hình phân loại rác thải tại nguồn thì nhà máy gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng và nhân công thu gom rác riêng biệt. Ông Phạm Văn Lợi cam kết sẽ khắc phục những bất cập và tiếp tục triển khai mô hình này.
"Bắt đầu tháng 9 này, Nhà máy sẽ tiến hành thu gom 2 loại rác. Rác hữu cơ dễ phân hủy sẽ thu gom vào các ngày trong tuần. Còn rác vô cơ sẽ gom vào ngày Chủ nhật hàng tuần. Để thực hiện thu gom riêng 2 loại rác, chúng tôi đầu tư thêm xe cuốn ép và 1 đội thu gom rác vô cơ"- ông Phạm Văn Lợi cho biết./.