Những ngày này, chị Đinh Thị Nớ dân tộc Ba Na ở thôn 2, xã An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định lên rẫy làm cỏ, chăm sóc cây chè dây. Từ cuối tháng 10/2020, Quỹ Môi trường toàn cầu phối hợp với địa phương và Công ty Cổ phần Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (gọi tắt là Bidiphar) thực hiện dự án chuyển giao kỹ thuật trồng cây thuốc bản địa chè dây cho đồng bào dân tộc thiểu số tại xã An Toàn, huyện vùng cao An Lão. Mục tiêu là nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương trong bảo tồn, khai thác hợp lý nguồn dược liệu bản địa; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất chè dây bền vững, hiệu quả với Công ty BIDIPHAR.

Chị Đinh Thị Nớ cho biết, đồng bào Ba Na ở xã An Toàn, huyện vùng cao An Lão đã biết quy trình trồng, chăm sóc chè dây theo hướng hữu cơ: “Các anh Công ty Dược chỉ dẫn nên hiểu phần nào, chăm sóc cũng tạm ổn. Bây giờ mình chăm sóc, làm cỏ xong xuôi rồi làm thí nghiệm thử. Ước mong sau này có thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình khấm khá”.

Thời gian qua, Dự án chuyển giao kỹ thuật trồng cây thuốc bản địa chè dây cho đồng bào dân tộc thiểu số tại xã An Toàn, huyện vùng cao An Lão đã tổ chức 3 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật ươm giống, trồng thâm canh và khoanh nuôi cây chè dây dưới tán rừng, thu hút 90 hộ dân đồng bào Ba Na ở 3 thôn của xã An Toàn tham gia. Hiện, nông dân xã An Toàn đã thành lập 3 tổ liên kết bảo vệ chè dây mọc tự nhiên; trồng 2.000 m2 chè dây tại rẫy; khoanh nuôi dưới tán rừng 5.000 m2 chè dây.

Dự án cũng đã xây dựng vườn bảo tồn và nhân ươm giống cây chè dây địa phương, chuyển giao kỹ thuật bảo tồn thu hái cây chè dây bản địa mọc tự nhiên đạt tiêu chuẩn GACP-WHO. Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, tỉnh Bình Định cho biết, những dự án bảo tồn, phát huy cây bản địa mở ra hy vọng giúp bà con có cuộc sống ấm no, bền vững hơn.

“Hôm nay thấy rằng, dự án đã bắt đầu hiệu quả, chắc chắn rằng dự án khả thi. Với mục tiêu là phát triển kinh tế đối với cây chè dây, là cây bản địa của địa phương để nâng cao đời sống cho bà con đồng bào dân tộc Ba Na xã An Toàn, đặc biệt, nâng cao được cách quản lý, thu hái, bảo tồn vừa phát triển kinh tế, vừa nâng cao nhận thức, đưa ra thị trường sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”, ông Đỗ Tùng Lâm cho hay.

Cùng với dự án này, Công ty Cổ phần Dược và Trang thiết bị Y tế Bình Định cũng triển khai dự án “Nuôi trồng dược liệu sạch theo tiêu chuẩn thực hành tốt, nuôi trồng và thu hái dược liệu”, trên diện tích hơn 75 ha, tổng kinh phí 85 tỷ đồng. Dự án xây dựng trung tâm nghiên cứu, trồng chế biến dược liệu giai đoạn 1 gần 12 ha và khu trồng, chế biến dược liệu giai đoạn 2 là hơn 63 ha. Quy trình chuẩn do BIDIPHAR đưa ra là chè dây trồng trên đất rẫy có mật độ 50- 50cm, trồng dưới tán rừng thưa hơn, cây cách cây khoảng 60- 80cm.

Chè dây trồng trên đất rẫy hay dưới tán rừng sau 1 năm là thu hoạch. Mỗi ha chè dây sẽ cho năng suất khoảng 16-18 tấn chè tươi. Với mức giá hiện nay là 6.000- 7.000 đồng/kg chè tươi, mỗi ha người trồng thu nhập hơn 100 triệu đồng. Khi dự án kết thúc sẽ được chuyển giao cho bà con trồng đại trà thông qua mô hình khuyến nông, sản phẩm được BIDIPHAR cam kết bao tiêu.

Bà Phạm Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc BIDIPHAR cho biết: “BIDIPHAR cũng chọn cây chè dây là 1 trong những dược liệu có thể phát triển tốt. Tham gia trong dự án này, trách nhiệm của Bidiphar là phải chuyển giao quy trình trồng đúng chuẩn cho bà con, cung cấp giống đúng chuẩn cho bà con và nhiệm vụ quan trọng hơn nữa là thu mua toàn bộ dược liệu do bà con trồng ra. Công ty mong muốn giải quyết được một phần đầu ra cũng như tạo chuỗi, yên tâm cho bà con trong việc sản xuất, bảo vệ môi trường”./.