Hút thuốc Shisha đã du nhập vào Việt Nam từ nhiều năm nay và đang lan tràn nhanh chóng trong giới trẻ Việt Nam. Đây là hình thức hút thuốc lá thông qua 1 chiếc bình chứa nước giống như chiếc điếu bát dùng để hút thuốc lào và thường được hút tập thể như uống rượu cần.

Nếu trước kia, muốn hút Shisha phải vào quán bar, quán café đắt tiền thì giờ đây ngay cả quán trà chanh cũng phục vụ hút Shisha, thậm chí xuất hiện cả tình trạng tẩm các chất gây nghiện khác khi hút Shisha.

Vậy hút thuốc Shisha có gây độc hại không và vì sao hình thức hút thuốc lá này lại ngày càng báo động?

Phóng viên VOV phỏng vấn Phó Giáo sư Chu Thị Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai làm rõ vấn đề này:

chi_thi_hanh_zjza.jpg
Phó Giáo sư Chu Thị Hạnh

PV:Xin bà cho biết, tình trạng hút thuốc Shisha tại nước ta đang diễn ra như thế nào?

Phó Giáo sư Chu Thị Hạnh: Tại nước ta chưa có một nghiên cứu nào về Shisha. Thực ra Shisha là một loại điếu dùng để hút thuốc lá. Xuất xứ của nó ở các nước Trung Đông, Ả Rập và ra đời từ khoảng 400 năm trước đây. Tại Việt Nam thì có điếu, ống thuốc lào. Ngày xưa, mọi người gọi Shisa là hút thuốc lào Ả Rập.

Nó khác biệt với hình thức hút thuốc lá thông thường là hình thức hút thuốc lá qua nước và các nguyên liệu để hút thuốc lá được tẩm thêm các chất hương liệu, các chất gây mùi thơm hay vị ngọt như hương hoa quả, dầu bạc hà, cà phê, socola. Với những hương vị như thế này thì nó rất hấp dẫn giới trẻ, đặc biệt là trẻ em, do đó nó dễ lan truyền trong cộng đồng. Từ đó, rất là khó để quản lý được, bởi hiện nay chưa có một chính sách, luật cụ thể nào cho loại hút thuốc lá Shisa này.

Ở Việt Nam, Shisha đã xâm nhập vào giới trẻ từ nhiều năm nay và đặc biệt là ở quán trà chanh cũng có ống điếu này để hút và giá cũng rất rẻ, khoảng mấy chục nghìn là cũng có thể hút được. Mặt khác, người bán lại cho thêm các chất khác vào như rượu, đá, ma túy… tạo thành một loại ma túy trá hình và trở thành một chất gây nghiện rất nhanh và khó có thể ngăn chặn được bởi vì nó sẽ hấp dẫn giới trẻ.

PV:Nhiều người cho rằng hút Shisha ít độc hại hơn so với hút thuốc lá điếu vì khói thuốc đã được lọc qua nước trong điếu bình. Điều này có đúng không, thưa bà?

Phó Giáo sư Chu Thị Hạnh: Đó là một quan điểm sai lầm, vì một lần hút Shisa khoảng 40 phút đến 1 giờ đồng hồ. Các nghiên cứu ở Anh, Mỹ… cho thấy, nếu hút một giờ Shisa so với 1 giờ hút thuốc lá thì lượng hắc-ín vào người là nhiều hơn và lượng nicotin cũng nhiều hơn 70% so với thuốc lá điếu, và các độc tố khác như CO, NO và các chất gây ung thư vào người nhiều hơn so với thuốc lá điếu, thậm chí nhiều hơn vài chục lần so với thuốc lá điếu.

Thực tế vừa nêu cho thấy, việc hút Shisa có hại rất nhiều so với hút thuốc lá, bởi vậy những độc hại mà nó gây ra cũng sẽ giống như độc hại mà thuốc lá gây ra và những người hút thuốc qua nước tức Shisa cũng có nguy cơ mắc ung thư phổi và các bệnh phổi mẫn tính gấp 2 lần, gây ra đẻ non và các bệnh gây nhiễm trùng…

Khi hút Shisa, người ta hút chung một vài vòi hút theo kiểu cộng đồng nên sẽ dễ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm như lao. Do đó các bệnh lý ở phổi, răng miệng, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh hen phế quản sẽ có tỷ lên mắc khá là cao và tốc độ lan truyền lớn. Tất cả xuất phát từ những sai lầm trong suy nghĩ, thậm chí, giới trẻ lại còn cho rằng đó là một thứ mốt để thể hiện, sang chảnh, và nó lại rẻ hoặc có thể tự làm gây ra khó khăn trong việc hạn chế hút Shisa.

Như thuốc lá, nếu tăng giá, tăng thuế thì sẽ hạn chế người mua; còn Shisa thì giá rẻ, có thể mua về nhà làm được. Sắp tới, Quỹ phòng chống về thuốc lá sẽ tiến hành nghiên cứu về Shisa.

PV:Bà có khuyến nghị gì đối với cơ quan chức năng và người dân trước tình trạng hút thuốc Shisha đang ở mức báo động tại nước ta?

Phó Giáo sư Chu Thị Hạnh: Hiện nay, chưa có chính sách gì có thể ngăn chặn việc hút thuốc Shisha nhưng vì tác hại của nó cũng như thuốc lá thì tôi nghĩ rằng các cơ quan chức năng, cũng như nhà nước cũng phải bổ sung thêm những quy định vào luật, nhất là cấm các hình thức quảng cáo, không được cho trẻ dưới 18 tuổi sử dụng.

Với cộng đồng, tôi khuyến cáo là tác hại của Shisha rất lớn đối với sức khỏe cho nên cả hút thuốc lá thông thường và hút thuốc lá qua nước đều độc hại và không nên sử dụng./.

PV:Xin cảm ơn bà./.