Tại Hội nghị trực tuyến thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia và vệ sinh môi trường nông thôn, do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 24/7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Bằng mọi giải pháp, đặc biệt là khơi thông những nguồn lực đột phá, thực hiện thành công mục tiêu cung cấp nước sạch, đảm bảo vệ sinh môi trường cho người dân. 

Chương trình quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (2012-2015) còn 1 năm nữa là  kết thúc giai đoạn và chuyển sang triển khai kế hoạch mới. 

Nhìn chung các mục tiêu cơ bản đã và có khả năng đạt kế hoạch, tuy nhiên, vẫn còn nhiều lo ngại về khả năng đảm bảo nước sạch, thực trạng môi trường nông thôn hiện nay ở một số khu vực, đối tượng cụ thể đang có những tác động xấu, đáng báo động.

Sau khi nghe và đánh giá các báo cáo, ý kiến phát biểu từ các địa phương, đơn vị thực hiện, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh tầm quan trọng, ý nghĩa xã hội của chương trình; ghi nhận những cố gắng, kết quả các địa phương, đơn vị đã đạt được trong triển khai chương trình.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ: “Nước sạch, vệ sinh môi trường vẫn là vấn đề khẩn cấp, vì ngay tại Hà Nội nước cũng nhiễm arsenite hoặc ở tận Cà Mau nước ngầm cũng có dấu hiệu ô nhiễm; trên cả nước còn hàng vạn hộ gia đình phải sử dụng nước không hợp vệ sinh ở khắp mọi miền...”.

pho_thu_tuong_nicz.jpg 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì Hội nghị trực tuyến thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia và vệ sinh môi trường nông thôn

Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan hữu trách phải nỗ lực thực hiện bằng được các mục tiêu cơ bản của chương trình mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, đảm bảo cho người dân, nhất là người dân nông thôn, có đời sống ngày càng tốt hơn, đảm bảo vệ sinh hơn.

Phó Thủ tướng cho rằng, những hạn chế, điểm làm chưa tốt trong triển khai chương trình thời gian qua là vốn thiếu, mô hình quản lý còn lúng túng, chưa phù hợp, phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay… Chính vì vậy, các địa phương, đơn vị cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao quyết tâm của các cấp chính quyền, thay đổi nhận thức của người dân về sinh hoạt, môi trường, cũng như nếp sống tập quán của một số vùng khó khăn, vùng dân tộc…

Đồng thời, tiếp tục rà soát, làm tốt công tác quy hoạch, trên cơ sở đó họp riêng với các địa phương, các lĩnh vực mà thời gian qua triển khai đạt hiệu quả thấp và gặp khó khăn để có chính sách thúc đẩy. Trong đó, lưu ý tạo điều kiện tối đa, hướng dẫn các địa phương triển khai chương trình điểm về cấp nước sạch theo mô hình kết hợp công-tư, các mô hình xã hội hóa khác, giảm bớt sự phụ thuộc, trông chờ vào ngân sách.

Trong giai đoạn cuối của chương trình (2014-2015), các ộ, ngành cần cân đối, bố trí đảm bảo nguồn vốn kế hoạch, đồng thời chuẩn bị các nguồn lực, các cơ chế phù hợp với tình hình mới để triển khai chương trình giai đoạn 2016-2020./.