Chiều nay (28/11), trong khuôn khổ Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN) 2020 diễn ra lễ trao Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM. Điểm nhấn của chương trình năm nay là quy tụ nhiều Startup có ý tưởng sáng tạo, các doanh nhiệp mang đến giải pháp đột phá trong nhiều lĩnh vực xã hội, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đòi hỏi sản phẩm, dự án mới gắn liền với thực tế và mang ý nghĩa cộng đồng.
Sau 2 lần tổ chức, Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM năm nay thu hút 303 bài dự thi, trong đó ban tổ chức đã chọn ra 40 dự án xuất sắc nhất để tranh tài. Để lọt vào Top 40 sản phẩm xuất sắc nhất, các bài dự thi được đánh giá khách quan, dựa trên sự bình chọn của cộng đồng mạng xã hội, tiếp theo là chấm điểm từ đội ngũ giám khảo có uy tín và cuối cùng là bình chọn của khán giả tại vòng chung kết.
Điểm mới về dự thi năm nay là xuất hiện danh mục dành cho các giải pháp phục vụ cộng đồng trong bối cảnh Việt Nam và Thế giới đang ứng phó với đại dịch Covid-19. Không chỉ là sân chơi của các sản phẩm có thể chạm tay và cảm nhận, giải thưởng thu hút số lượng lớn các ứng dụng hoạt động trên nền tảng 4.0 và phát triển từ trí thông minh nhân tạo AI. Trong đó, kể đến các sản phẩm tái chế giúp bảo vệ môi trường, công nghệ máy bay không người lái; ở lĩnh vực sức khỏe, có ứng dụng cho phép kêu gọi hiến máu khi cần thiết hay đăng ký khám tâm lý cho trẻ qua tổng đài hay ứng dụng phát hiện trẻ em bị sót lại trên xe buýt và xe cá nhân…
Xuất hiện trong thời điểm xã hội kêu gọi các chương trình thiện nguyện, chung tay đẩy lùi Covid-19, “cây ATM gạo – khẩu trang cho những hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch” của công ty CP Vũ trụ Xanh… đã nhận được rất nhiều lời khen tại Chương trình trao giải, ông Hoàng Tuấn Anh, đại diện đơn vị sáng tạo sản phẩm nói về kết quả đạt được của thiết bị này: “Vì dịch bệnh mà các bên muốn phát gạo gặp nhiều trở ngại. Chúng tôi sử dụng công nghệ mà công ty đang có sẵn để làm máy ATM Gạo, giải bài toán người phát gạo và người nhận gạo không phải tiếp xúc trực tiếp với nhau. Máy đã phát được 1 triệu lượt người nhận gạo, với số lượng tương đương 3.000 tấn gạo".
Đại diện ban tổ chức, ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM cho biết, chương trình đánh giá cao về tính ứng dụng của sản phẩm, bên cạnh phải đẩy mạnh công tác quảng bá để người dân biết đến sản phẩm. Ông nhấn mạnh: “Một sản phẩm ra đời, thứ nhất phải được đánh giá của các nhà chuyên môn, tức là đạt các giá trị về công nghệ, tiêu chí mà các sản phẩm công nghệ cần có, tuy nhiên nó phải thiết thực trong cuộc sống tức là người dùng công nhận. Đây là điểm rất đặc biệt của cuộc thi này".
Bên cạnh đó, chương trình năm nay ghi nhận sự năng động, sáng tạo của các dự án khởi nghiệp trẻ, các bạn trẻ tự tin trong việc thuyết trình bằng tiếng Anh, cũng qua đó thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước chung tay phát triển, sớm đưa các sản phẩm vào cuộc sống. Các dự án khởi nghiệp bao gồm Korona Board Game, FuniMart và LangF đã được quyết định đầu tư tại chương trình gọi vốn CiC 2020./.