Từ lâu amiang đã được sử dụng ở nước ta để sản xuất tấm lợp amiang – xi măng (AC). Ngành công nghiệp sản xuất tấm lợp AC đã phần nào đóng góp vào nền kinh tế và tạo việc làm cho hàng vạn người lao động trong cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh các lợi ích kinh tế và xã hội, các tác động xấu đến sức khoẻ con người và môi trường của các cơ sở sản xuất tấm lợp AC cũng đang ở mức cần thiết phải có các giải pháp xử lý.

Amiang - nguy cơ gây ung thư

ong-trinh.jpg

Các đại biểu quốc tế tại Hội thảo

Tại Hội thảo "Tăng cường năng lực nghiên cứu và thông tin về bệnh nghề nghiệp liên quan đến amiang” tổ chức ngày 9/4, tại Hà Nội, PGS.TS Lê Vân Trình - Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học kỹ thuật và Bảo hộ Lao động cho biết, amiang có tới 6 loại, trong đó loại độc hại nhất có tên khoa học là crocidolite, hay còn gọi là amiang “xanh", đã bị cấm sử dụng ở nhiều nước trên thế giới. Loại ít độc nhất là chrysolite (amiang “trắng"), hiện vẫn đang được sử dụng để làm tôn lợp nhà, gioăng đệm, hoặc ống dẫn nước.

Trong ngành sản xuất tấm lợp AC, một thách thức lớn là khi bụi có chứa amiang phát tán ra môi trường lao động gây độc hại đối với đường hô hấp và nhiều khả năng gây ra bệnh ung thư phổi.

Ở nước ta hiện nay có khoảng 40 cơ sở sản xuất tấm lợp amiang- xi măng, hàng năm cung cấp sản lượng khoảng 70 triệu m2 và sử dụng gần 10.000 lao động.

Theo các cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế, giống như một số loại bụi khác có trong môi trường lao động, tất cả các dạng amiang đều có thể gây ung thư và một số bệnh trầm trọng khác cho con người. Amiang gây ra ra một số các căn bệnh như bệnh phổi, ung thư màng phổi và ung thư phổi. Bằng tia X quang, không thể phát hiện ra amiang, nhưng có thể phát hiện khá sớm dấu hiệu của bệnh ung thư phổi gây nên bởi bụi amiang. Con người lại có thể dễ dàng tiếp xúc với amiang qua việc khai thác, chế biến, sản xuất các phẩm có chứa chất này, nhất là việc tháo, nhập bao amiang và xi măng, nghiềm amiang khô, vận chuyển bao bột amiang…

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, không có ngưỡng nào thực sự an toàn khi tiếp xúc với amiang. Khi amiang ở trong dạng kết khối với vật liệu khác thì chúng ít gây độc, nhưng đặc biệt độc hại khi chúng ở dạng sợi hoặc phát tán vào không khí. Tuy nhiên so với một số loại bụi, amiang không gây hại tức thì, tác hại của chúng thường xuất hiện sau 15-40 năm. Trên thế giới mỗi năm có khoảng 90.000 người chết do các bệnh nghề nghiệp liên quan đến tiếp xúc với amiang, trong đó có 43.000 ca ung thư trung biểu mô, 39.000 ca ung thư phổi, 7.000 ca bệnh phổi.

Điều tra và nghiên cứu của Viện Y học Lao động và Vệ sinh Môi trường về kết quả khám lâm sàng cho công nhân làm việc tại các nhà máy tấm lợp amiang cho thấy, các dấu hiệu về triệu chứng và bệnh hô hấp như viêm phế quản mãn, viêm phổi, hội chứng rối loại thông khí… ở công nhân tiếp xúc với bụi amiang cao hơn nhiều so với ở công nhân tiếp xúc với xi măng. Qua chụp X quang cho 1.032 công nhân sản xuất tấm lợp tiếp xúc lâu năm đã phát hiện có ca bị bệnh bụi phổi amiang thể nhẹ.

Vẫn buông lỏng việc giám sát VSLĐ

Theo Thạc sĩ Lê Mạnh Kiểm, Phó trưởng phòng Thanh tra an toàn vệ sinh lao động (Bộ LĐ-TB&XH), tình hình vi phạm quy định pháp luật về vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp AC vẫn còn phổ biến ở hầu hết các doanh nghiệp thanh tra. Đặc biệt là các vi phạm về quản lý sức khoẻ, vi phạm quy định về dự phòng bệnh nghề nghiệp và quản lý môi trường lao động. Có tới 84% doanh nghiệp được kiểm tra chấp hành các quy định về vệ sinh lao động trong sản xuất có sử dụng amiang được đánh giá chấp hành loại trung bình và kém. “Hầu như không có doanh nghiệp nào thực hiện các biện pháp chủ yếu để phòng bệnh nghề nghiệp như: thông báo yếu tố độc hại và huấn luyện công nhân biện pháp phòng bệnh do amiang, bố trí nơi tắm rửa, vệ sinh cá nhân và khử độc phương tiện bảo vệ cá nhân sau ca làm việc để tránh phát tán sợi amiang ra ngoài cộng đồng…” - ông Lê Mạnh Kiểm nhấn mạnh.

Amiang là chất có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh lao động. Chính vì vậy, ngoài các quy định chung về vệ sinh lao động trong Bộ Luật Lao động và các văn bản hướng dẫn, Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường còn có nhiều văn bản quy định về an toàn sức khoẻ và bảo vệ môi trường áp dụng riêng đối với lĩnh vực sản xuất và sử dụng amiang.

Tuy vậy, thực tế nhiều năm qua công tác quản lý Nhà nước về an toàn và sức khoẻ công nhân trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm có chứa amiang vẫn còn bị buông lỏng. Việc kiểm tra, đánh giá vẫn chưa thường xuyên và xử lý cũng chưa nghiêm.

Ông Kiểm cho rằng, nguyên nhân là do các đoàn kiểm tra không có chuyên gia nắm vững chuyên môn về vệ sinh lao động trong sử dụng amiang và cũng không có quyền lực xử lý vi phạm. “Hiện nay sự phối hợp chỉ đạo giữa Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên Môi trường và các cơ quan liên quan chưa thường xuyên, thậm chí chưa có sự phối hợp, trong khi đó Chính phủ vẫn cho phép tiếp tục sản xuất, sử dụng amiang. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vi phạm của các doanh nghiệp. Để tăng cường giám sát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực này, cần có một cơ quan chỉ đạo liên Bộ có liên quan đến vấn đề an toàn sức khoẻ và môi trường trong sản xuất các sản phẩm có liên quan đến amiang” – ông Lê Mạnh Kiểm đề nghị.

Người lao động cần được bảo vệ

Theo PGS.TS Lê Vân Trình, tấm lợp amiang-xi măng là một loại vật liệu lợp được sử dụng rộng rãi, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi ở nước ta bởi tính ưu việt của nó. Đây là loại vật liệu có công nghệ sản xuất đơn giản, có khả năng cách nhiệt tốt, chống cháy tốt. Ở môi trường khí hậu ven biển, ẩm, tấm lợp AC không bị lão hoá và biến dạng do nhiệt, thời gian sử dụng lâu, đặc biệt là giá rẻ (chỉ bằng 1/2 giá tấm lợp kim loại) nên phù hợp với khả năng tiêu thụ của phần lớn người dân có thu nhập thấp. Hiện Việt Nam là một trong 10 nước tiêu thụ amiang lớn nhất thế giới.

Amiang “trắng" hiện vẫn đang được sử dụng để làm tôn lợp nhà

Nhưng trên thực tế, phần lớn người lao động không có khái niệm về độc hại khi làm việc trong môi trường có amiang nên họ chấp nhận làm việc trong môi trường lao động còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh như: nồng độ bụi cao, trang bị vệ bảo hộ lao động còn thiếu… Vì thế, công tác tuyên truyền được coi là biện pháp ưu tiên trong việc bảo vệ người lao động. Đó là nâng cao nhận thức của người lao động và sử dụng lao động trong việc cải thiện môi trường làm việc, biết cách tự bảo vệ, trang bị cho mình các kiến thức về bảo hộ lao động, trong đó quan tâm đến các phượng tiện bảo vệ cá nhân như trang bị đầy đủ khẩu trang, mũ bảo hộ, găng tay cho người lao động, đặc biệt là người lao động trong các công đoạn vận chuyển, thu gom chất thải rắn và vệ sinh, mở bao và nghiền nhiên liệu….

Theo ông Larry Stoffman, Uỷ ban Quốc gia về Môi trường và tiếp xúc nghề nghiệp của Canada, hiện nay nhiều nước trên thế giới đã thông qua Luật cấm sử dụng amiang. Nhưng thực tế việc sử dụng amiang nhóm Chrysotile vẫn diễn ra ở nhiều nước. “Cách hiệu quả nhất để loại trừ các bệnh do amiang gây ra là ngăn chặn việc sử dụng tất cả các loại amiang. Cùng với đó phải yêu cầu thay thế và giám sát quy định nghiêm ngặt việc sử dụng amiang ở nơi làm việc; đầu tư cho các ngành công nghiệp thay thế sử dụng amiang. Bên cạnh đó, cũng cần có các chính sách bồi thường cho các nạn nhân và gia đình của họ” - ông Larry Stoffman cho biết.

Hội nghị về Amiang châu Á được tổ chức tại Hongkong tháng 4/2009 cũng báo động về tình trạng sử dụng amiang ở châu Á và cho rằng, trong tương lai gần, việc chuyển dần sang sản xuất không amiang là xu thế tất yếu. Hiện một số nước ở châu Á như Thái Lan, Malaysia… tuy chưa cấm sử dụng amiang nhưng dự kiến sẽ bắt buộc in lên sản phẩm có chứa amiang các cảnh báo về sự nguy hại của vật liệu này đến sức khoẻ con người.

Ông Đỗ Quốc Quang, Viện Công nghệ (Bộ Công Thương) và ông Nguyễn Đình Kiên (Viện Cơ học-Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng, ở Việt Nam, sau 3 năm nghiên cứu, có thể khẳng định hoàn hoàn chủ động về công nghệ, thiết bị cho sản xuất không amiang. Việc sản xuất không amiang sẽ góp phần đáng kể hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới sức khoẻ con người và môi trường về cả phương diện sản xuất và sử dụng sản phẩm. Ông Quang cũng đưa ra kiến nghị, trong khi chưa chuyển sang sản xuất không amiang, các cơ quan có liên quan cần nghiên cứu, khuyến cáo người sản xuất và người tiêu dùng, tạo điều kiện cho việc chuyển sang sản xuất sạch hơn./.