Vụ việc nộp tiền “chống trượt” của 40 học viên tham gia thi Cao học Quản lý kinh tế (Trường Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) ở tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua đã gây bức xúc trong dư luận.
Cụ thể, 3 cán bộ phòng Quản lý đào tạo của Trung tâm GDTX gồm: ông Bùi Sỹ Hồng - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, ông Lê Trọng Sơn - Phó trưởng phòng QLĐT và bà Lê Thị Liên đã tham gia tổ chức đấu mối, nhận và giữ số tiền 1,08 tỷ đồng của 40 học viên, nhằm giúp học viên đậu vào kỳ thi Cao học lớp Quản lý kinh tế trường Đại học Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội.
Tuy nhiên, trong số 40 học viên này chỉ có 7 người trúng tuyển. Nhiều học viên không trúng tuyển đã đề nghị cán bộ phòng Quản lý đào tạo của Trung tâm GDTX Thanh Hóa trả lại số tiền dùng để “ bôi trơn” đầu vào.
Sai phạm của các cán bộ Trung tâm GDTX và học viên đãquá rõ ràng
Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV.VN, ông Vương Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: “Sai phạm của các cán bộ Trung tâm GDTX và học viên đã quá rõ ràng. Việc làm này vi phạm vào các quy chế của Bộ Giáo dục- Đào tạo và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín của đội ngũ giáo viên và ngành Giáo dục của tỉnh Thanh Hóa”.
Ông Vương Văn Việt cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về việc nộp tiền “chống trượt” của 40 học viên tham gia thi Cao học Quản lý kinh tế (Trường Đại học kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội), Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Trung tâm GDTX của tỉnh và các cá nhân có liên quan tổ chức kiểm điểm.
Tuy nhiên, 3 cá nhân phòng Quản lý đào tạo chưa nhận thức được mức độ vi phạm, bản kiểm điểm còn chung chung và mức độ kiểm điểm và đề nghị hình thức kỷ luật cũng chưa thỏa đáng với tính chất và mức độ sai phạm. Cho nên, báo chí đã lên tiếng và UBND tỉnh đã có chỉ đạo ngay Sở cùng với các ngành có liên quan tiếp tục thanh tra làm rõ vụ việc và yêu cầu tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm. Kết quả thanh tra phải đồng thời phải được gửi về các cơ quan, đơn vị có học viên đã nộp tiền “chống trượt” để xử lý theo quy định của pháp luật.
“Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của tỉnh, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh đã tổ chức thanh tra vụ việc này. Kết quả thanh tra đã có kiến nghị rất cụ thể. Kết luận đã làm rõ được hành vi sai phạm của những học viên tham dự lớp ôn thi Cao học đầu vào. Đặc biệt, những cán bộ của Trung tâm GDTX tỉnh đã đồng lõa với việc làm sai trái này, đã vi phạm quy chế, nhận tiền của các học viên để móc nối thực hiện hành vi “chống trượt”. Nhưng việc làm của họ không thành. Sai phạm đó là quá rõ ràng”- Ông Vương Văn Việt nói.
Xử lý nghiêm, không nhân nhượng, không cho qua việc này
Theo ông Vương Văn Việt, Sở GD-ĐT đã có chỉ đạo, yêu cầu Trung tâm GDTX tổ chức kiểm điểm, có mức kỷ luật đối với lãnh đạo của Trung tâm, đặc biệt đối với những cán bộ trực tiếp tham gia việc này. Tỉnh đã yêu cầu Trung tâm căn cứ vào Nghị định 27 của Chính phủ Quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức để thực hiện việc xét, xử lý kỷ luật một cách nghiêm minh đối với các trường hợp này. Sở GD-ĐT phải có báo lên UBND tỉnh kết quả thanh tra và phải chỉ đạo một cách sát sao, cụ thể và nghiêm túc quá trình kiểm điểm; đồng thời phải xử lý một cách hết sức nghiêm minh đối với những người đã vi phạm và cố tình vi phạm. Hiện nay, Sở GD-ĐT đang trong quá trình chỉ đạo xử lý vụ việc.
“Quan điểm của tỉnh là căn cứ vào tính chất, mức độ để xử lý nghiêm, không nhân nhượng, không cho qua việc này”-Ông Vương Văn Việt nhấn mạnh.
Theo ông Vương Văn Việt, Tỉnh cũng đã giao Sở GD-ĐT phối hợp với Sở TT-TT tỉnh thông tin rộng rãi với các phóng viên các cơ quan truyền thông một cách minh bạch, công khai toàn bộ câu chuyện này; đồng thời cảnh báo cho tất cả các cơ sở đào tạo trong tỉnh cũng như các học viên dứt khoát không được vi phạm quy chế thi ở như tất cả các cấp học, đặc biệt là việc thi đầu vào Đại học, Cao học.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, “qua vụ việc này, tỉnh có lo ngại chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh”, ông Vương Văn Việt cho rằng, qua việc này cũng cần phải đặt ra vấn đề nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thanh Hóa luôn chú trọng đến việc này. Điều này thể hiện trong những năm gần đây, trong vấn đề thi tuyển công chức được Thanh Hóa tổ chức hết sức chặt chẽ. Việc này thể hiện qua kỳ thi công chức 2013, chỉ tiêu được tuyển 190 người, số đăng ký 482 người nhưng cuối cùng kết quả thi tuyển chỉ đạt 30% (120 người) so với đăng ký, không đủ chỉ tiêu. Dư luận đánh giá rất cao về quá trình tổ chức, chỉ đạo và thi tuyển công chức của tỉnh.
Năm nay, Hội đồng thi tuyển công chức 2014 của tỉnh cũng đã triển khai kế hoạch tổ chức thi tuyển công chức. “Năm nay sẽ thực hiện một cách nghiêm túc, thậm chí nghiêm túc hơn các kỳ thi tuyển trước, với chủ trương phải tuyển chọn được công chức có chất lượng để bổ sung, tăng cường vào đội ngũ công chức của các cơ quan Nhà nước, các Sở, ban, ngành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thanh Hóa sẽ cương quyết làm việc này và chắc chắn là sẽ làm tốt”- ông Vương Văn Việt khẳng định./.