Chuẩn bị cho đại lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ngành Văn hóa tỉnh Điện Biên được Chính phủ ưu tiên 4 công trình lớn, đó là: Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, sân vận động Điện Biên, công trình hệ thống mái che bảo vệ có hệ thống vật thể khối lớn ngoài trời như: xe tăng, xác máy bay, hầm De Castrie…  Và thành phần cuối cùng là chỉnh trang các điểm di tích để đảm bảo các mục tiêu xanh sạch đẹp phục vụ khách du lịch với khả năng cao nhất. Ngoài ra, bổ sung thêm các hạng mục đường dạo, công trình vệ sinh, quy hoạch lại các điểm bán hàng. Đồng thời thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng thường xuyên các hiện vật ở các điểm di tích.

lqt_4957.jpg
Thế hệ trẻ Điện Biên hôm nay (Ảnh: Quang Trung)

Tuy nhiên, do hoàn cảnh vốn tập trung khó khăn, đến cuối năm 2012 mới được tạm ứng một phần rất nhỏ. Đến tháng 12/2013, các công trình mới cơ bản có kế hoạch nguồn vốn làm cho tiến độ thi công các công trình bị ảnh hưởng. Đây là khó khăn chung do chủ trương cắt giảm chi tiêu, kiềm chế lạm phát của Chính phủ.

Ông Đào Ngọc Lượng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên khẳng định: “Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Điện Biên, giám sát chặt chẽ, đốc thúc tiến độ thi công của các nhà thầu của Ban quản lý dự án (BQLDA) Di tích lịch sử Điện Biên, các công trình nói trên đang được thi công tích cực kịp đưa vào sử dụng đúng dịp đại lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”.

Cụ thể, đến thời điểm này, toàn bộ công trình sân vận động- nơi sẽ diễn ra đại lễ ngày 7/5 tới đã hoàn thành, dự kiến sẽ được bàn giao trong tuần này. Tổng mức vốn công trình là 29,5 tỷ đồng, đến nay đã được bố trí vốn thanh toán 15 tỷ đồng, dự kiến trong năm nay sẽ được bố trí thanh toán đủ nguồn vốn công trình.

Công trình mái che hiện vật ngoài trời là công trình thực hiện theo hình thức xã hội hóa được Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội đầu tư vốn 10 tỷ đồng. Công trình đã được đơn vị thi công hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng ngày 3/4 vừa qua.

Công trình chỉnh trang các hạng mục tại các điểm di tích đến nay cũng đã hoàn thành được 90% và đang tiếp tục hoàn thiện. “Riêng công trình này đến nay chưa được ghi kế hoạch nguồn vốn nhưng do nhu cầu cần thiết phải chỉnh trang nên chúng tôi vận động các đơn vị xây dựng ứng vốn trước. Sau này có kế hoạch vốn sẽ thanh toán sau”, ông  Lượng nói.

Công trình “căng thẳng nhất” được sự quan tâm của các Bộ, ngành Trung ương và Sở, ban ngành của tỉnh, đó là Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ giai đoạn 2. Công trình này có 2 phần chính: Xây dựng lại nhà trưng bày và xây dựng mới bức tranh Panorama (PV-toàn cảnh).

Trưởng BQLDA Di tích lịch sử Điện Biên, ông Đào Ngọc Lượng cho biết, chủ trương của UBND tỉnh Điện Biên là tập trung, đẩy mạnh đưa hạng mục nhà trưng bày mới vào phục vụ nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Riêng hạng mục thứ 2 xây dựng bức tranh panorama (do tính chất đây là công việc mới ở Việt Nam, thậm chí là khu vực Đông Nam Á) chưa triển khai thi công mà sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2016.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Điện Biên, BQLDA và các nhà thầu đang tập trung triển khai thi công hạng mục nhà trưng bày mới. Do nhà bảo tàng cũ trước đây chưa có cơ hội đầu tư phải tận dụng vật liệu khung kho của kho dự trữ đạn dược, phương tiện vận tải của quân đội để làm nhà trưng bày hiện vật tạm thời, đến nay nhà trưng bày này đã hết niên hạn sử dụng.

Tổng mức vốn đầu tư của công trình được phê duyệt 211 tỷ đồng, đến nay đã được bố trí 40 tỷ đồng nguồn vốn chính và vốn vay tạm ứng là 100 tỷ đồng được phân làm 2 giai đoạn. Tuy nhiên vốn vay giai đoạn 2 đến nay chưa có. Theo kế hoạch dự án toàn bộ công trình Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên phủ sẽ hoàn thành vào năm 2016.

Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ đang khẩn trương hoàn thành kịp thời ra mắt dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (Ảnh: Quang Trung)

Theo kế hoạch, BQLDA DTLS Điện Biên- chủ đầu tư công trình cùng các nhà thầu quyết tâm bàn giao đưa vào sử dụng thành phần nhà trưng bày vào ngày 30/4/2014. Đến nay, khối lượng xây lắp đã hoàn thành. Hiện đang thực hiện công tác trưng bày hiện vật trong nhà, theo đề cương hoàn toàn mới so với trước. Một số hiện vật có khối tích lớn và hiện vật quý hiếm sẽ được đưa vào trưng bày trong nhà. Theo đó, sẽ trưng bày một khẩu cao xạ pháo 37 ly. Đây chính là khẩu cao xạ pháo mà anh hùng Tô Vĩnh Diện chỉ huy kéo pháo và đã anh dũng hy sinh để lại hình ảnh cao quý đi sâu vào lòng người. “ Hiện vật này, bảo tàng cũng đang làm hồ sơ khoa học để xin làm bảo vật quốc gia với khẩu cao xạ pháo này. Khẩu cao xạ pháo thứ hai hiện cũng đang được Bảo tàng pháo binh xây dựng hồ sơ làm bảo vật quốc gia là cao xạ pháo 37 ly đầu tiên hạ gục máy bay trên chiến trường lòng chảo Điện Biên 60 năm về trước. Mặt khác, bảo tàng mới cũng trưng bày khẩu đại bác 105mm. Khẩu đại bác này cũng  là một hiện vật vô cùng ý nghĩa và quý báu. Đây là khẩu pháo của Mỹ viện trợ cho Pháp và họ đã dùng khẩu pháo này trong chiến dịch biên giới năm 1950. Bộ đội ta đã thu được khẩu pháo này và đưa về đánh Pháp ở Điện Biên. Đây là một trong 4 khẩu được Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn bắn mở màn chiến dịch ngày 13/3/1954.

Một nét mới nữa so với trưng bày trước đây, nhà bảo tàng sẽ trưng bày dàn hỏa tiễn H6 do Liên Xô viện trợ. Dàn pháo này khi khai hỏa đã gây cho binh lính Pháp một sự hoang mang tột độ, mỗi khi nghe tiếng pháo chỉ biết cúi đầu xuống hầm mà không hiểu đấy là loại súng gì. Pháo này chỉ tham gia chiến dịch trong trận đánh cuối cùng vào cứ điểm Mường Thanh nơi đặt bản doanh của Tướng Des Castries.

Một hệ hiện vật quý hiếm nữa được sưu tầm đưa vào trưng bày trong dịp này là toàn bộ hệ thống thiết bị của đội ngũ quân y phục vụ chiến dịch Điện Biên phủ do các cựu chiến binh quân y hiến tặng. Đây là những hiện vật bảo tàng không có trước đây và ngay cả với Bảo tàng lịch sử quân sự cũng không có.

Qua quá trình sưu tầm, tỉnh Điện Biên đã nhận được sự hỗ trợ của một số Việt kiều sưu tầm được rất nhiều hình ảnh của phía bên kia mà trước kia chúng ta chỉ lưu giữ được những hình ảnh về bộ đội ta. Thú vị hơn những hình ảnh mới sưu tầm này do chính các phóng viên chiến trường phía ta ghi lại được, sau 50 năm, theo quy định được Pháp cho phép công bố. Đây là những hình ảnh hoàn toàn mới mà trước kia trong kho tư liệu của chúng ta không có. Hiện nay tư liệu hình ảnh này đã được Cục Di sản và các chyên gia tiếng Pháp thẩm định xong.

Ngoài ra, tỉnh Điện Biên đã phối hợp với Hội cựu chiến binh Việt Nam, báo Quân đội nhân dân tổ chức lễ phát động về trao tặng, hiến tặng các hiện vật liên quan đến chiến trường. Kết quả bảo tàng đã nhận được 196 hiện vật, tài liệu do các cựu chiến binh tình nguyện trao tặng như: bi đông, dép, mũ, nhật ký, nhật lệnh, sách, thư… sẽ  được lựa chọn một trong số các hiện vật này để trưng bày. Ngoài ra, vào ngày 18/4 tới UBND tỉnh Điện Biên sẽ tổ chức buổi lễ ghi danh những cá nhân, tổ chức hiến tặng Bảo tàng tỉnh Điện Biên tại Hội trường Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam. Tại buổi lễ này cũng sẽ tiếp nhận thêm những hiện vật của các đơn vị đăng ký trao tặng, đặc biệt có một số hiện vật của Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam bàn giao hiến tặng./.