Theo Viện CODE, có nhiều ý kiến cho rằng, 76.000ha của năm 2011 là tổng diện tích đất lâm nghiệp của lâm trường nằm trong diện tranh chấp, lấn chiếm. Con số đó chỉ là phần nhỏ của tảng băng chìm về tình trạng mâu thuân đất lâm nghiệp tại Việt Nam hiện nay. Con số này cũng chưa phản ánh được tính phức tạp về nguyên nhân, tác động của mâu thuẫn và các cơ chế giải quyết tranh chấp hiện nay đang được áp dụng tại Việt Nam.
Toàn cảnh hội thảo |
Theo Viện CODE, tranh chấp đất lâm nghiệp giữa lâm trường và người dân không những có xu hướng tăng mà ngày càng kéo dài. Tại nhiều địa phương, mâu thuẫn đất đai giữa lâm trường và người dân đang diễn ra gay gắt, điển hình như huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn), Quảng Ninh (Quảng Bình), Tương Dương (Nghệ An).
Theo ông Tô Xuân Phúc – Đại diện Tổ chức Forest Trends, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp đất đai giữa công ty lâm nghiệp và người dân, đó là: Người dân thiếu đất canh tác nhằm bảo đảm sinh kế; Sự bất bình đẳng trong sử dụng đất giữa lâm trường quốc doanh với người dân; và việc phát triển mạnh mẽ mạng lưới thị trường hàng hóa nông sản ở vùng núi (đặc biệt là gỗ rừng và sắn) trong thời gian gần đây tạo điều kiện cho việc nâng cao thu nhập cho nhiều người.
Mâu thuẫn đất đai có tác động tiêu cực về các mặt kinh tế, xã hội, môi trường, gây lãng phí thời gian, tiền bạc của các bên liên quan, làm giảm cơ hội nâng cao hiệu quả sử dụng đất rừng. Trong khi đó, tại nhiều địa phương hiện nay cơ chế giải quyết mâu thuẫn đất đai giữa lâm trường và người dân thường bế tắc do thiếu cơ sở pháp lý.
Theo Viện CODE, để giải quyết mâu thuẫn này cần thực hiện tổng điều tra đánh giá, rà soát lại một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng, có sự tham gia của các bên về sử dụng đất của lâm trường, đặc biệt là các lâm trường đang quản lý đất rừng sản xuất với mục đích trồng rừng. Thông tin có liên quan đến sự thay đổi sử dụng tài nguyên đất và tài nguyên rừng cần phải được công khai, minh bạch đối với người dân.
Bên cạnh đó, phải rà soát tình trạng thiếu đất sản xuất của các hộ dân, đánh giá nhu cầu đất canh tác tối thiểu của các hộ; bóc tách các phần diện tích đất hiện đang tranh chấp, lấn chiếm trả lại cho chính quyền địa phương làm cơ sở giao cho các hộ nhằm bảo đảm đủ diện tích đất canh tác.
Hội thảo Mâu thuẫn đất đai giữa Công ty Lâm nghiệp và người dân địa phương nhằm góp phần vào việc đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông lâm trường quốc doanh./.