Xung quanh vụ việc của ngành Y tế Thanh Hóa khi kiểm tra, rà soát phát hiện tới 20 người đang làm việc trong ngành Y tế dùng bằng giả, sau khi báo chí thông tin, nhiều người dân địa phương và dư luận bày tỏ bức xúc.

Nhiều người đặt ra vấn đề, trong khi rất nhiều người tốt nghiệp cử nhân, thạc sỹ chuyên ngành ra trường đang thất nghiệp thì thực tế lại xuất hiện nhiều trường hợp dùng bằng giả, không đủ trình độ được làm ở vị trí đi cứu người.

Ông Lê Tiến Toàn - Giám đốc Bệnh viện Bệnh viện đa khoa TP. Thanh Hóa cho biết: “Sở Y tế Thanh Hóa xác định bệnh viện chúng tôi có 2 trường hợp dùng bằng giả, nhưng sau đó một trường hợp là bà Thang Thị Lý đã chứng minh được mình có bằng thật và được Sở chấp nhận. Còn một trường hợp khác là ông Nguyễn Đình Sơn thì đúng là bằng giả, chúng tôi đã buộc thôi việc”.

“Theo tôi, việc kiểm soát bằng giả đầu vào tuyển dụng rất khó. Bằng mắt thường thì không thể phát hiện được đâu là giả. Về phía bệnh viện, khi phát hiện lao động dùng bằng giả chúng tôi đã buộc thôi việc và cũng đã họp để rút kinh nghiệm. Sắp tới, nếu có tuyển dụng chúng tôi sẽ chặt chẽ hơn trong việc kiểm tra bằng cấp. Có thể phải xác minh quá trình học tập của người lao động khi đi xin việc” - ông Toàn cho biết thêm.

bang_gia_tr_wvtl.jpg
Bệnh viện Đa khoa Đông Sơn cũng bị phát hiện có nhân viên dùng bằng giả
Còn tại Bệnh viện đa khoa huyện Đông Sơn, nơi có một lao động với tấm bằng Cao đẳng điều dưỡng giả, bà Cao Thị Vân đã được bệnh viện nhận làm hợp đồng tại Khoa nội 1. Sau khi phát hiện, bệnh viện đã chuyển công việc của bà Vân xuống làm tại khoa Chống nhiễm khuẩn vì đang trong thời kỳ mang thai nên chưa thể thực hiện buộc thôi việc với lao động này.

Trao đổi sự việc, ông Mai Đình Thọ - Trưởng phòng Tổ chức hành chính (Bệnh viện đa khoa Đông Sơn) cho biết, bằng mà bà Vân nộp xin việc là bằng Cao đẳng của Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ, nhưng thực tế bà Vân không theo học.

Kể lại sự việc, bà Cao Thị Vân nói rằng: “Sau khi học xong tại trường Trung cấp y dược Văn Hiến (tại TP. Thanh Hóa) từ năm 2009-2012 thì tôi có nộp hồ sơ đi học liên thông lên Cao đẳng tại trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ. Nhưng khi vừa nhập học thì tôi có bầu nên không thể theo học”.

Như vậy, tuy không theo học nhưng bà Vân vẫn có bằng để đi xin việc. Sau khi kiểm tra thì Sở Y tế Thanh Hóa kết luận là bằng giả.

Trước đó, VOV.VN đã thông tin, qua kết quả rà soát bằng cấp toàn ngành y tế Thanh Hóa đã phát hiện có tới 20 người hiện đang làm việc trong các bệnh viện, trạm y tế dùng bằng giả.

Một số cá nhân đã dùng bằng chuyên môn giả để làm việc tại các Bệnh viện như trường hợp Cao Thị Vân (làm việc tại Bệnh viện đa khoa huyện Đông Sơn), Hoàng Thị Tuyết (Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thành)… Cá biệt, có 3 trường hợp dùng bằng giả làm việc tại Bệnh viện đa khoa huyện Quan Sơn, kể cả Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cũng có một trường hợp.

Trong số 20 trường hợp bị phát hiện, có những trường hợp dùng bằng giả hàng chục năm nhưng cơ quan chức năng không hề hay biết như ông Lê Văn Lệ (SN 1958, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đồng Thắng - huyện Triệu Sơn), bà Ngô Thị Tám (SN 1969, dược sĩ, làm việc tại Trung tâm y tế huyện Triệu Sơn); ông Lê Xuân Thướng (SN 1965, Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Sơn).

Hiện các đơn vị phát hiện có lao động dùng bằng giả chủ yếu đã làm qui trình buộc thôi việc.

Sau khi báo chí nêu về vụ việc trên, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo Sở Y tế Thanh Hóa xác minh thông tin 20 trường hợp sử dụng bằng giả đang làm việc trong lĩnh vực Y tế.

Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế Thanh Hóa kiểm tra, rà soát hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ sở y tế trên địa bàn, thực hiện đúng công tác quản lý hồ sơ cán bộ công chức, viên chức theo qui định hiện hành./.