Theo Nghị quyết 32/2007 của Chính phủ, từ ngày 01/01/2008 sẽ đình chỉ lưu hành ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3-4 bánh, trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ.

Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết, không khó để bắt gặp xe tự chế 3 - 4 bánh lưu thông trên đường. Phóng viên VOV.VN đã về huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, một nơi được xem là nhiều xe tự chế nhất của tỉnh Hải Dương để ghi nhận thực tế tại đây.    

Sau gần 2 tháng lực lượng liên ngành của tỉnh Hải Dương ra quân tăng cường xử lý xe hết niên hạn sử dụng và xe tự chế tham gia giao thông, nhưng tại các xã trong huyện Bình Giang, vào bất kể thời điểm nào cũng dễ dàng bắt gặp những chiếc xe tự chế “hiên ngang” chở vật liệu xây dựng chạy trên đường liên thôn, liên xã và thậm chí cả tỉnh lộ.

Thiếu tá Bùi Huy Đạt, Phó trưởng Công an huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương cho biết, lực lượng chức năng huyện gặp nhiều khó khăn để xử lý bởi loại xe tự chế thường chạy quãng đường ngắn, trong đường nhỏ, ngõ xóm và thường bỏ chạy khi gặp cảnh sát giao thông.

cn6_vov_zgpe.jpg
Thiếu tá Bùi Huy Đạt, Phó trưởng Công an huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương cho rằng, xử lý xe tự chế sẽ phải kết hợp cả tuyên truyền và xử lý nghiêm.

“Loại phương tiện này hoạt động trong làng, xã, đoạn đường ngắn, hoạt động mang tính tranh thủ, lẩn tránh. Khi tổ công tác tuần tra kiểm soát thì người ta luôn phòng tránh như xem xét cung đường, hoặc giờ đi kiểm soát. Thậm chí, có cả người nhà đi xem xét trước có CSGT không rồi mới đưa xe tự chế ra đường. Chúng tôi cũng nắm được và có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, nếu trong thời gian mà không làm thì sẽ tái diễn, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương kết hợp với công an mới có thể giải quyết được”, Thiếu tá Bùi Huy Đạt nói.

Công an huyện Bình Giang cũng cho biết, khi bắt được vi phạm, người điều khiển thường bỏ phương tiện và rời khỏi hiện trường, gây nhiều khó khăn trong việc cẩu, kéo xe vi phạm về bãi.         

“Người dân mất từ 60-70 triệu đồng để đóng 1 chiếc xe thế này. Khi gặp lực lượng chức năng họ sẵn sàng bỏ xe và không hợp tác, bởi theo Nghị định 146/2007 của Chính phủ thì những chiếc xe thế này sẽ bị tịch thu và người điều khiển bị xử phạt 5 triệu đồng. Chính điều này gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi xử lý”, vị Phó trưởng Công an huyện Bình Giang cho biết.

Rất nhiều xe tự chế như thế này đang hoạt động tại "thủ phủ" xe tự chế Bình Giang, Hải Dương.

Tại bãi tạm giữ xe vi phạm của công an huyện Bình Giang hiện đang giữ gần 100 xe 3-4 bánh tự chế. Những chiếc xe tự chế (hay còn gọi là công nông đầu ngang) sử dụng động cơ nông nghiệp, được các xưởng cơ khí chế, đóng theo yêu cầu của người đặt hàng. Những chiếc xe này có thể biến hóa về hình thức và chủng loại. Nhiều chiếc gắn thêm thùng có ben tự động có thể tải nặng lên tới 3-4 tấn hàng hóa, thường gắn động cơ diesel với sức kéo 12,15 thậm chí 26, 28 sức ngựa.

Những chiếc xe 3,4 bánh tự chế bị công an huyện Bình Giang thu giữ.

Thiếu tá Nguyễn Văn Hướng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hải Dương phân tích, với những chiếc xe này chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng thấy chúng không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Những người điều khiển loại xe này cũng hầu như không có bằng lái ô tô, xe không đăng kiểm, kiểm định và tất nhiên là trốn mọi loại thuế giao thông đường bộ.  

 “Theo khảo sát thì toàn tỉnh Hải Dương còn gần 2.300 xe tự chế. Chủ yếu là xe chở học sinh, chở rác, vật liệu hàng hóa. Với những đối tượng chúng tôi có danh sách thì sẽ tuyên truyền còn lại sẽ tăng cường để xử lý. Việc xử lý chủ trương đã có, trong quá trình xử lý đối với những phương tiện này, như chúng tôi đã thống nhất về mặt cơ chế vẫn còn chưa đầy đủ”, Thiếu tá Nguyễn Văn Hướng nói.                  

Đã có không ít vụ tai nạn giao thông chết người do loại phương tiện này gây ra. Việc cấm xe công nông, xe tự chế là một trong những chủ trương đúng đắn của Chính phủ nhằm kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, sự thiếu kiên quyết của nhiều địa phương khiến loại hình phương tiện trái phép này vẫn ngang nhiên hoạt động trở thành “hung thần” trên các tuyến đường./.