Vụ án kéo dài là do có những bất thường về thẩm quyền điều tra, truy tố; việc định tội danh và căn cứ buộc tội không thuyết phục.

Điều tra sai thẩm quyền

Theo diễn biến vụ án, ngày 24/12/2015, Cơ quan An ninh Điều tra (ANĐT) - Công an TP Cần Thơ khởi tố vụ án hình sự số 09/QĐ về tội “Vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” tại Agribank Cần Thơ.

anh_05_zcub.jpg
 Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm mở lần thứ hai (tháng 8/2018).

Từ tháng 12/2015 đến tháng 8/2018, Cơ quan này lần lượt khởi tố, bắt tạm giam các bị can Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân, Phạm Tường Thi, Nguyễn Văn Đạt (là giám đốc doanh nghiệp và nhân viên kinh doanh - bên đi vay); Trần Huy Liệu, Bùi Tuấn Anh và Lê Thanh Hải (là các cán bộ Agirbank Cần Thơ - bên cho vay). Đồng thời tiến hành điều tra về các tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139;  “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165 và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo Điều 179 BLHS năm 1999. Theo cáo buộc, các bị can đã gây thiệt hại cho Agirbank hơn 300 tỉ đồng.

Một câu hỏi đặt ra: Cơ quan ANĐT công an cấp tỉnh (như Cơ quan ANĐT - Công an TP Cần Thơ) có được quyền điều tra và đề nghị truy tố đối với các tội danh quy định tại các điều 139, 165 và điều 179 BLHS năm 1999 hay không?

Xin trả lời ngay là: “Không”! Bởi lẽ, pháp luật không cho phép.

Cụ thể, Pháp lệnh về tổ chức điều tra Hình sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung 2006 và 2009); Thông tư số 28/2014/TT-BCA ngày 07/7/2014 của Bộ Công an về công tác điều tra hình sự trong Công an nhân dân quy định: Cơ quan ANĐT Công an cấp tỉnh điều tra các vụ án hình sự về “Các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia” tại chương XI; “Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh” tại chương XXIV của BLHS năm 1999.

Một trong những quyết định của Cơ quan An ninh điều tra- CA Cần Thơ.

Ngoài ra, Cơ quan ANĐT cấp tỉnh còn điều tra các tội phạm khác thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp tỉnh quy định tại một số điều trong BLHS năm 1999.Đó là: Điều 180; Điều 181; Điều 221; Điều 222 ; Điều 223; Điều 230; Điều 230a, 230b, Điều 231; Điều 232; Điều 236; Điều 263; Điều 264; Điều 274 và Điều 275.

Rõ ràng, không có điều khoản nào cho phép Cơ quan ANĐT cấp tỉnh được quyền điều tra các tội danh quy định tại các điều 139, 165 và 179 BLHS năm 1999.

Một loạt vấn đề đặt ra: Cơ quan ANĐT (CA TP Cần Thơ) dựa vào căn cứ pháp lý nào để thụ lý, khởi tố, điều tra các tội danh không được pháp luật cho phép? Việc Đại tá Nguyễn Văn Thảo - Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan ANĐT ký các quyết định liên quan đến khởi tố, điều tra, đề nghị truy tố và ra lệnh bắt tạm giam 6 bị can về tội danh thuộc các điều 139, 165 và 179 BLHS năm 1999 có trái thẩm quyền hay không? Nếu trái thẩm quyền thì kết quả điều tra đó có giá trị pháp lý hay không và xử lý như thế nào? Trách nhiệm của VKSND TP Cần Thơ và các Điều tra viên, Kiểm sát viên trong vụ án này ra sao?...

Đó là những câu hỏi dư luận đang đề nghị cơ quan có thẩm quyền trả lời.

Phó Viện trưởng VKS  “bác” Kết luận của TTCP

Theo các cáo buộc, bị can Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân sử dụng khu đất mặt tiền diện tích 2574,6m2 tại số 12, đường Nguyễn Trãi, TP Cần Thơ làm tài sản thế chấp vay vốn Agribank. Đây là khu đất “đắc địa” nằm trên tuyến phố thương mại sầm uất nhất thành phố. Nhưng theo Cơ quan ANĐT và VKS Cần Thơ, khu đất này chỉ có giá hơn 104,03 tỉ đồng. Đây là con số làm căn cứ tính thiệt hại để điều tra, truy tố các bị can.

Trong khi đó, Kết luận Thanh tra số 978/KL-TTCP ngày 22/6/2018 của Thanh tra Chính phủ (TTCP) khẳng định: “Khu đất 12, Nguyễn Trãi có mức giá khởi điểm (tháng 3/2011) là 233 tỉ đồng”.

Khu đất số 12 Nguyễn Trãi, TP Cần Thơ.

Con số này cao gấp 2,24 lần so với các Kết luận Điều tra của Cơ quan ANĐT, các Cáo trạng của VKSND TP Cần Thơ và tương đương với kết quả thẩm định giá của các công ty thẩm định giá trước đó.

Sự chênh lệch quá lớn về giá trị của khu đất khiến TAND TP Cần Thơ nghi ngờ. Tòa cho rằng: “Qua so sánh hai kết quả nêu trên (233 tỉ và 104,03 tỉ - PV) cho thấy phương pháp định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự TP Cần Thơ có những điểm chưa phù hợp; kết quả định giá tài sản trong tố tụng thấp hơn rất nhiều (chỉ bằng 44,64% - PV) so với Kết luận của TTCP”.

Tuy nhiên, Phó Viện trưởng VKSND TP Cần Thơ - Huỳnh Việt Thanh đã có văn bản trả lời nhận định nêu trên của Tòa theo hướng không công nhận phần kết luận của TTCP về giá trị khu đất 12 Nguyễn Trãi. Ông Thanh cho rằng: “Quan điểm của TTCP về xác định giá trị đất không theo bất kỳ một nguyên tắc cơ bản nào được ghi nhận và trái với thực tế khách quan nên kết quả không chính xác” (Công văn số 261/VKS/P3 ngày 31/7/2018).

Xin được nói thêm: Kết luận 978/KL-TTCP của TTCP đã được Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo TP Cần Thơ và các bộ, ngành trung ương thực hiện từ tháng 11/2018.

Vậy với khu đất số 12 Nguyễn Trãi (TP Cần Thơ) và các bất động sản khác trong vụ án này thì mức giá nào được chấp thuận để làm căn cứ tính thiệt hại? Phương pháp định giá của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự trong vụ án này đáng tin cậy ở mức độ nào?

Điều tra, truy tố không đúng tội danh?

Tháng 6/2016, Cơ quan ANĐT tiến hành khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân về tội “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Theo đó, dự án “Cụm chế biến Nông thủy sản Tây Nam” tại TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang của Công ty Tây Nam do Nhân làm Giám đốc không đủ điều kiện vay vốn lãi suất ưu đãi, nhưng bị can này đã “thông đồng” với các cán bộ Agirbank Cần Thơ để được vay 258 tỉ đồng, hòng chiếm đoạt lãi suất ưu đãi 59 tỉ đồng.

Trong khi đó Agribank Việt Nam và Bộ Tài chính có văn bản trả lời chính thức: Dự án “Cụm chế biến Nông thủy sản Tây Nam” thuộc đối tượng được vay vốn lãi suất ưu đãi; số tiền 59 tỉ đồng mà Cơ quan ANĐT cho rằng bị Nhân chiếm đoạt chưa được Agribank đề nghị Bộ Tài chính quyết toán, do đó Agribank chưa thiệt hại. 

Sự chênh lệch quá lớn về định giá tài sản không thuyết phục được HĐXX. 

Do không chứng minh được hành vi “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”, Cơ quan này chuyển sang điều tra và đề nghị truy tố Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân về tội “Vi phạm quy định cho vay của các tổ chức tín dụng”.

Việc cả 6 bị can cùng bị truy tố về tội “Vi phạm quy định cho vay của các tổ chức tín dụng”(trong đó có 3 bị can là người đi vay) đang xảy ra tranh cãi: Liệu có đúng pháp luật?

Phía Cơ quan ANĐT và VKS cho rằng, họ có đủ căn cứ. Còn các luật sư và bên đi vay khẳng định, việc truy tố 3 bị can là khách hàng vay tiền theo điều 179 là không đúng người, không đúng tội, không đúng pháp luật.

LS Bùi Quang Nghiêm, Phó Chủ nhiệm đoàn LS TPHCM phân tích: Chủ thể của tội danh tại điều 179 BLHS là chủ thể đặc biệt; phải là người có chức vụ, quyền hạn trong ngân hàng hoặc là cán bộ, nhân viên có ảnh hưởng trực tiếp trong việc cho khách hàng vay. Các bị can Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân, Phạm Tường Thi và Nguyễn Văn Đạt là bên đi vay. Toàn bộ quy trình, thủ tục vay vốn được cán bộ ngân hàng hướng dẫn, họ không có quyền quyết định cho vay hay không. Cho nên họ không thể bị truy tố theo điều 179 BLHS năm 1999.

“Đây là quan hệ dân sự kinh tế đã bị hình sự hóa. Cần đình chỉ vụ án để hai bên tự giải quyết theo các hợp đồng tín dụng đã ký kết” - LS Nghiêm nói.

Như VOV đã phân tích, với cách tính lấy số tiền vay cả gốc và lãi trừ đi giá trị tài sản thế chấp (được định giá ở mức quá thấp) thành con số thiệt hại, Cơ quan ANĐT, VKSND TP Cần Thơ đã không thuyết phục được HĐXX sau hai lần xử sơ thẩm. Vì vậy đến nay vụ án đã kéo dài sang năm thứ tư vẫn chưa xong. Liệu niềm tin của dư luận vào cơ quan điều tra, truy tố trong vụ án này có còn nguyên vẹn?/.