Sau 3 tháng tạm đình chỉ điều tra vụ án, điều tra bị can, ngày 10/12/2018, Đại tá Nguyễn Văn Thảo, Phó Thủ trưởng thường trực Cơ quan An ninh Điều tra, Công an TP Cần Thơ ký quyết định “Phục hồi điều tra vụ án hình sự vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Agribank Cần Thơ. Lý do của quyết định này là “yêu cầu định giá tài sản đã có kết quả”.
Cùng ngày, ông Thảo ký các quyết định “Phục hồi điều tra” đối với các bị can, đồng thời có “Thông báo về nội dung kết luận định giá tài sản” gửi những người có liên quan.
Đây là vụ án hình sự được khởi tố từ tháng 12/2015, đến nay tròn 3 năm và đã từng bị TAND TP Cần Thơ 3 lần trả lại hồ sơ.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm tháng 8/2018. |
Agribank chưa bao giờ xác nhận thiệt hại
Theo các Kết luận điều tra của Cơ quan An ninh Điều tra - Công an Cần Thơ và các Cáo trạng của VKSND TP (gọi tắt là Cơ quan pháp luật), trong thời gian từ 2012-2015, Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân cùng 5 bị can khác gồm, Lê Thanh Hải (nguyên Giám đốc); Trần Huy Liệu, (nguyên phó GĐ); Bùi Tuấn Anh, (nguyên Trưởng phòng Tín dụng) Agribank Cần Thơ; Phạm Tường Thi, (nguyên GĐ Cty Tân Tiến) và Nguyễn Văn Đạt, nhân viên Công ty này đã “thông đồng, cấu kết” lập khống hồ sơ vay, nâng khống giá trị tài sản đảm bảo để vay và sử dụng vốn vay sai mục đích.
Với tổng cộng 6 khoản vay đều có tài sản thế chấp, các bị can đã gây thiệt hại cho Agribank Việt Nam gần 303,7 tỉ đồng.
Thế nhưng, trong tất cả các văn bản gửi Cơ quan pháp luật đến thời điểm hiện tại, Agribank Việt Nam chưa khi nào nhắc tới hoặc thừa nhận “mức độ thiệt hại” mà chỉ thông báo các khoản vay gốc và lãi, yêu cầu bên đi vay thanh toán.
Còn Luật sư Nguyễn Trường Thành (bảo vệ quyền lợi cho Agribank) khẳng định: “Tại thời điểm tháng 12/2018, tài sản thế chấp vẫn còn nguyên, mà giá trị tài sản còn đang tranh chấp giữa các bên. Agribank chưa thừa nhận thiệt hại đó (303,7 tỉ đồng) vì chưa có căn cứ nào để thừa nhận thiệt hại. Hợp đồng tín dụng chưa hết kỳ hạn thì hai bên đã bị công an khởi tố, bắt tạm giam rồi”.
Đến thời điểm này, Agribank vẫn chưa xác nhận có thiệt hại xảy ra. |
Ông Thành cho rằng, vụ án này “giống hệt” vụ án tại Agribank Trà Vinh vừa bị Tòa cấp cao tuyên hủy ngày 11/12 vì “không có thiệt hại, không có lừa đảo, không có nâng khống giá trị tài sản”.
“Nếu không có chuyện khởi tố vụ án hình sự, hoặc định giá tài sản thế chấp theo sát giá thị trường, chúng tôi có dư tiền để thanh toán, và Agribank không hề thiệt hại” - ông Nguyễn Văn Kịch (cha đẻ bị can Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân, là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án) cho hay.
Định giá tài sản không sát giá thị trường
Trong Thông báo kết quả định giá tài sản ngày 10/12/2018 của Cơ quan An ninh Điều tra CA Cần Thơ, giá trị tài sản đã tăng đáng kể so với những lần trước, tuy nhiên ông Nguyễn Văn Kịch vẫn khẳng định: “Quá thấp. Không theo giá thị trường. Chúng tôi sẽ tiếp tục khiếu nại về kết quả này vì không định giá đúng theo quy định của Chính phủ; không phù hợp mức giá của các đơn vị thẩm định giá chuyên nghiệp và Kết luận của Thanh tra Chính phủ.”
Trong một diễn biến liên quan, Kết luận số 978/KL-TTCP ngày 22/6/2018 của Thanh tra Chính phủ xác nhận, giá khởi điểm khu đất 12, Nguyễn Trãi là 233 tỉ đồng từ năm 2012. Kết luận này đã được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo thực hiện từ tháng 11/2018.
Siêu thị Citimart tại 51, Nguyễn Trãi, TP Cần Thơ bị khiếu nại là định giá không sát giá thị trường. |
Vậy mà kết quả định giá tài sản do Cơ quan pháp luật Cần Thơ trưng cầu năm 2018 đối với tài sản là bất động sản tại số 12, Nguyễn Trãi xấp xỉ 150 tỉ đồng (thấp hơn 83 tỉ đồng so với Kết luận của Thanh tra Chính phủ về mức giá khởi điểm năm 2012). Còn giá trị tài sản là siêu thị CitiMart tọa lạc số 51, Nguyễn Trãi, TP Cần Thơ được định giá gần 212,5 tỉ đồng (thấp hơn 116 tỉ đồng so với mức trung bình 328 tỉ đồng mà các cơ quan thẩm định giá đưa ra trước đó).
LS Bùi Quang Nghiêm (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS TPHCM, bảo vệ quyền lợi cho bị can Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân) cho rằng, các căn cứ quan trọng về giá trị tài sản thế chấp để tham khảo đã bị Hội đồng định giá tài sản “bỏ ngoài tai”. “Việc định giá ở mức rất thấp rồi sử dụng con số chênh lệch coi là thiệt hại để cố gắng buộc tội các bị can là không có căn cứ pháp lý và thiếu đạo lý” - LS Nghiêm nói.
Thiệt hại tài sản thế chấp, ai phải chịu trách nhiệm?
Theo các chuyên gia kinh tế, thiệt hại trong hoạt động cho vay là bên đi vay có tài sản thế chấp đến thời hạn đáo hạn không trả được, mà tài sản thế chấp không đủ để trả vốn và lãi cho khoản vay ấy. Nếu không còn tài sản nào khác để thanh toán nợ trong một thời gian nhất định mà không có lý do chính đáng, thì khi đó bên cho vay mới bị coi là có thiệt hại .
Cách tính thiệt hại của Cơ quan pháp luật Cần Thơ là lấy toàn bộ số tiền mà các bị can vay của Agribank cộng với lãi suất, rồi trừ đi giá trị tài sản thế chấp (do Cơ quan pháp luật trưng cầu định giá). Con số chênh lệch được coi là “thiệt hại” để làm căn cứ buộc tội các bị can.
Cáo trạng của VKSND TP. Cần Thơ |
Theo LS Nghiêm: “Trong vụ án này, hợp đồng tín dụng ký giữa khách hàng và ngân hàng có thời hạn 10 năm, nhưng mới thực hiện 3 năm, tài sản thế chấp có giá trị thực tế cao hơn nhiều lần vốn vay thì Công an đã bắt cả hai bên và chứng minh có thiệt hại như cách làm trên là không đúng luật, không khách quan”.
Về phía “bị hại”, ngày 18/10/2018, Agribank Việt Nam có văn bản số 10424/ NHNo-PC gửi Thủ trưởng các Cơ quan pháp luật TP Cần Thơ đề nghị giải tỏa kê biên tài sản đảm bảo.
Cảnh hoang tàn, xuống cấp của một công trình trong vụ án. |
Văn bản nêu rõ: “Đối với tài sản đảm bảo là bất động sản gồm quyền sử dụng đất, công trình là các tài sản không có khả năng “bị mất” hay “dịch chuyển”... “Tài sản đảm bảo này đã được Agribank và khách hàng đăng ký giao dịch đảm bảo theo quy định của pháp luật”...
Agribank đặt câu hỏi: “Những hao mòn, xuống cấp, hư hỏng của những tài sản này có thể dẫn đến khi xử lý tài sản bảo đảm không đủ để thu hồi nợ, gây thiệt hại cho Agribank. Vậy, những thiệt hại này sẽ do cá nhân, cơ quan, tổ chức nào chịu trách nhiệm?”
Hiện nhiều tài sản, công trình, nhà xưởng, máy móc liên quan đến vụ án đã xuống cấp trầm trọng hoặc “đắp chiếu”, gây thiệt hại và lãng phí không nhỏ./.
Vụ án Agibank Cần Thơ: Những căn cứ buộc tội không thuyết phục
“Đại án” Agribank Cần Thơ:Tạm đình chỉ điều tra vụ án, điều tra bị can