Mới đây, Ban Nội chính của Thành ủy TP.HCM có công văn số 169-CV/BNCTU phúc đáp công văn của Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Vũng Tàu (viết tắt VCCI Vũng Tàu) về đề nghị đình chỉ điều tra đối với vụ án “Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” – mà dư luận hay gọi là vụ án “Chìm ca nô ở huyện Cần Giờ”, xảy ra ngày 2/8/2013.

dao_1_1_jpg_2258_1382619480_imdi.jpg
Ông Vũ Văn Đảo - Giám đốc Công ty Việt Séc, một trong hai bị can trong vụ án Chìm ca nô ở huyện Cần Giờ.

Theo phúc đáp của Ban Nội chính TP.HCM, được sự ủy quyền của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, Ban Nội chính Thành ủy trả lời VCCI Vũng Tàu về vụ án như sau: “Do hiện nay vụ án đang trong quá trình tiến hành tố tụng và theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự chỉ cơ quan tố tụng mới có quyền ra quyết định đình chỉ vụ án. Vì vậy VCCI Vũng Tàu hãy chờ kết quả giải quyết của cơ quan tố tụng”.

Theo tiến trình tố tụng của vụ án “Chìm ca nô ở huyện Cần Giờ”, đến nay cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM đang tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ bị can để thực hiện trưng cầu giám định. Việc tạm đình chỉ vụ án được cơ quan điều tra thực hiện từ ngày 28/8/2015.

Ngày 18/11/2015, Hội đồng giám định đã có trả lời kết quả giám định. Tuy nhiên, đến nay đã gần nửa năm, cơ quan điều tra Công an TP.HCM vẫn chưa có bất kỳ động thái phục hồi điều tra vụ án hay đình chỉ điều tra theo đúng quy trình tố tụng.

Vụ án “Chìm ca nô ở huyện Cần Giờ” đến nay kéo dài gần 3 năm và vẫn chưa có hồi kết. Các chuyên gia phân tích pháp luật cho rằng, chưa có một vụ án liên quan đến tai nạn giao thông nào trong lịch sử tố tụng Việt Nam lại kéo dài như vụ án chìm ca nô xảy ra vào tháng 8/2013.

Liên quan đến vụ án này, các chuyên gia, các tổ chức pháp luật phân tích đều khẳng định rằng, vụ án “Chìm ca nô ở huyện Cần Giờ” có dấu hiệu oan sai rõ ràng. Tòa án Nhân dân TP.HCM cũng đã 2 lần trả hồ sơ và khẳng định, nguyên nhân vụ án không liên quan đến tội danh Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn như cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM truy tố.

Bên cạnh đó, các cơ quan thuộc Chính phủ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam… cũng đã có văn bản thể hiện động thái hối thúc việc xử lý vụ án, đồng thời sẵn sàng hợp tác với cơ quan điều tra để xử lý vụ án đúng quy định của pháp luật.

Vụ án hiện vẫn đang được cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM tiếp tục “treo” và kéo theo đó là hàng loạt ảnh hưởng đến các doanh nghiệp của ông Vũ Văn Đảo – bị can trong vụ án - bị đình đốn trong sản xuất, người lao động không có việc làm. Đặc biệt sự hạn chế quyền công dân của ông Vũ Văn Đảo khiến nhiều hợp đồng ký kết với đối tác nước ngoài không thể thực hiện.

Vụ án “Chìm ca nô ở huyện Cần Giờ” càng kéo dài không chỉ gây ra thiệt hại lớn về vật chất mà mất mát lớn nhất là niềm tin của hàng chục triệu người dân đối với sự khách quan, công tâm của cơ quan thực hành quyền tố tụng của TP.HCM./.

Diễn biến vụ án:

-Ngày 2/8/2013, xảy ra vụ tai nạn giao thông đường thủy khiến 9 người tử nạn trong đó có tài công Phạm Duy Phúc. Do tài công điều khiển ca nô bị nạn BP 12-04-02 tử vong, cơ quan cảnh sát điều tra đình chỉ điều tra tội Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường thủy.

Tuy nhiên người sản xuất ca nô ông Vũ Văn Đảo - Giám đốc Công ty Việt Séc và Đinh Văn Quyết - Giám đốc Công ty Vũng Tàu - Maria bị khởi tố về tội Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn.

-Ngày 17/10/2014, Viện kiểm sát hoàn tất cáo trạng truy tố 2 ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết theo điều 214 Bộ luật hình sự.

Sau cáo trạng truy tố, rất nhiều cơ quan tổ chức, người lao động, các chuyên gia pháp luật đã đề nghị cơ quan tố tụng của TP.HCM xem xét lại vụ án để tránh oan sai. Nhiều chuyên gia pháp luật khẳng định, việc truy tố 2 ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết theo điều 214, Bộ luật Hình sự là không có cơ sở.

-Ngày 17/4/2015, TAND TP.HCM trả hồ sơ lần 1 yêu cầu làm rõ kết quả giám định và nguyên nhân vụ tai nạn.

-Ngày 26/5/2015, VKS cùng cấp có công văn khẳng định do không có chứng nhận Đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam là không đảm bảo an toàn.

Trong quá trình điều tra bổ sung, ngày 25/6/2015, Cục Đăng kiểm Việt Nam – Bộ GTVT đã có Công văn số 2411/ĐKVN-TB khẳng định ca nô bị nạn thuộc đăng kiểm của Phòng Đăng kiểm Hải quân, Bộ GTVT không có thẩm quyền đăng kiểm.

-Ngày 17/7/2015, TAND TP.HCM lại có công văn trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung lần 2.

-Ngày 28/7/2015, Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM ra quyết định trả hồ sơ vụ án “chìm ca nô ở huyện Cần Giờ” để điều tra bổ sung cho Công an TP.HCM.

Theo quyết định, cơ quan thực hành quyền công tố yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra, điều tra bổ sung các nội dung nêu tại quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung (lần 2) số 176/2005/HSST-QĐ ngày 17/7/2015 của TAND TP.HCM và các tình tiết mới phát sinh trong quá trình điều tra bổ sung.

-Ngày 28/8/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ bị can với lý do: Sau khi tiến hành điều tra thấy vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” cần phải giám định tư pháp đối với ca nô BP 12-04-02.

Bởi vậy, Cơ quan cảnh sát điều tra quyết định tạm đình điều tra vụ án hình sự "Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn" xảy ra ngày 2/8/2013 tại huyện Cần Giờ, TP.HCM theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 372-01 ngày 4/9/2013 để chờ kết luận giám định.

-Ngày 18/11/2015, Hội đồng giám định đưa ra kết luận giám định vụ án.

-Sau kết luận giám định đến nay đã gần 6 tháng, cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM quyết định “treo án”.