Ông T. ở xã Mai Sơn, huyện Lục Yên (Yên Bái) có con làm việc tại Nhật Bản nên gia đình thường xuyên liên lạc với nhau qua Facebook. Cách đây ít ngày, gia đình ông nhận được tin nhắn từ một Facebook có tên giống tên con mình, với nội dung chuyển giúp cho bạn của con 60 triệu đồng. Do trước đó Facebook này cũng đã nhắn tin hỏi thăm gia đình đúng như con mình, nên khi nhận được yêu cầu, không chút nghi ngờ, vợ chồng ông T. đã chuyển tiền luôn.
“Độ 14h30 có tin nhắn đến, hơn 15h thì tôi đi chuyển tiền. Chuyển tiền xong khoảng 30 phút gọi sang cho con thì biết là đã bị lừa mất. Tôi quay lại ngân hàng thì họ bảo là đã chuyển đi rồi, không lấy lại được nữa”, ông T. cho biết.
Không riêng ông T., thời gian gần đây đã có không ít trường hợp người dân Yên Bái là nạn nhân của các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Riêng từ đầu năm đến nay, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh Yên Bái đã tiếp nhận 7 vụ việc liên quan. Qua khai thác ban đầu, các vụ lừa đảo đã gây thiệt hại cho người dân Yên Bái khoảng 1,3 tỷ đồng.
Trung tá Hoàng Đức Công, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh Yên Bái cho biết, ngay khi tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm và qua công tác đấu tranh, điều tra, đơn vị đã xử lý 4 vụ và chuyển 3 vụ theo thẩm quyền cho cơ quan điều tra cấp huyện.
“Về việc thu hồi tài sản cho người dân thì có thu hồi được nhưng không thu được 100%. Lí do là sau khi các bị hại chuyển tiền vào các tài khoản của bên thứ ba thì chỉ sau 10 đến 15 phút, thậm chí có những tài khoản chỉ sau 5 phút thì toàn bộ tài khoản đã phát tán ra từ 5, 10 đến 20 tài khoản khác nên việc thu hồi lại tài sản rất khó khăn”, Trung tá Hoàng Đức Công nói.
Thực tế cho thấy, mặc dù đã có rất nhiều vụ lừa đảo bị phát hiện và nhiều đối tượng bị xử lý trước pháp luật, nhưng nhiều người dân vẫn đang tiếp tục trở thành nạn nhân. Điều đáng nói là không ít nạn nhân sau khi bị lừa đã xấu hổ, tự ti, sợ bị mang tiếng và tâm lý chung là sẽ khó lấy lại được tiền, nên đã không tố cáo với cơ quan chức năng; hoặc sau khi bị chiếm đoạt tài sản thường trình báo chậm, không cung cấp được nhiều thông tin, tài liệu, nên khó khăn trong công tác điều tra, xử lý tội phạm.
Thượng tá Lê Cao Bách, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh Yên Bái cho biết: “Đơn vị chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng; chủ động phối hợp với các ngành chức năng tập trung đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác của người dân. Phối hợp với các cơ quan có liên quan trong công tác điều tra, truy tố các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.
Tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao có hàng chục thủ đoạn khác nhau, trong đó có thể kể đến như: giả danh cơ quan thực thi pháp luật yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản mà chúng cung cấp; giả làm nhân viên ngân hàng cung cấp app để chiếm đoạt tài sản trong ngân hàng; giả làm doanh nhân nước ngoài gửi quà có giá trị và yêu cầu đóng phí; tuyển cộng tác viên làm việc tại nhà; gọi điện khủng bố đòi nợ… Bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của loại tội phạm này nếu chủ quan, lơ là.
Do vậy, mỗi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác và thông thái hơn trong việc sử dụng các tiện ích của thời đại công nghệ 4.0. Trong trường hợp bị lừa đảo, cần nhanh chóng đến trình báo và cung cấp thông tin để cơ quan chức năng xử lý kịp thời./.