Bằng đôi bàn tay tài hoa của người họa sĩ kết hợp với những hiểu biết và kinh nghiệm trong lĩnh vực giải phẫu học, gần 20 năm qua, họa sĩ Võ Tấn Thành (ở phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã làm một công việc thật đặc biệt: vẽ chân dung qua lời kể.
Cộng tác với cơ quan công an, họa sĩ Võ Tấn Thành cùng con trai (cũng là một chiến sĩ công an) đã trợ giúp đắc lực trong việc nhận diện và tấn công, trấn áp tội phạm chỉ qua lời kể nhân chứng.
Hình ảnh Nguyễn Chí Dũng do họa sĩ Thành vẽ dựa trên lời kể (trái) giống với ảnh thật (phải). Ảnh do họa sĩ cung cấp |
Họa sĩ Võ Tấn Thành vẫn nhớ như in lần đầu tiên ông làm việc vẽ chân dung tội phạm qua lời kể. Đó là thời điểm năm 1999, người dân cả khu vực rộng lớn dọc theo Quốc lộ 51 từ Đồng Nai sang tới Bà Rịa – Vũng Tàu luôn trong trạng thái hoang mang, lo sợ vì hàng loạt vụ án hiếp dâm, cướp của xảy ra liên tục. Tên tội phạm thường có hành tung bí hiểm, hoạt động lúc nửa đêm đến rạng sáng, còn chứng cứ và lời khai của các nhân chứng thì quá ít ỏi và nhiều mâu thuẫn.
Sau nhiều lần vây bắt tên tội phạm nguy hiểm không thành, Công an tỉnh Đồng Nai đã quyết định nhờ đến tài năng của họa sĩ Võ Tấn Thành, dù trước đó chưa có ai làm công việc vẽ chân dung tội phạm mà chỉ nghe qua lời kể.
Với tình thế cấp bách của chuyên án ĐB99, suốt gần 1 tháng, họa sĩ Võ Tấn Thành cùng các trinh sát tìm gặp các nhân chứng, những người từng nhìn thấy tên tội phạm. Sau nhiều bức vẽ khác nhau, chân dung tên tội phạm hiện ra trên giấy và được các nhân chứng cho rằng giống “một chín, một mười".
Kết quả là từ bức chân dung vẽ này, tháng 9/1999, đối tượng Phó Văn Chính (sinh năm 1963, ngụ huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bị bắt khi vừa thực hiện xong một vụ trộm ở xã Tam Phước. Đối tượng chính là kẻ đã cưỡng bức 9 phụ nữ, thực hiện trót lọt 58 vụ án cướp tài sản. Khi nhìn thấy bức vẽ chân dung mình, hắn bàng hoàng thốt lên: “Sao cán bộ có hình của em!” ”.
“Phải tự mình rèn luyện, chứ chưa có trường lớp nào đào tạo cái này. Khi làm nhiều mình sẽ có kinh nghiệm và nâng cao khả năng chuyên sâu của mình”- Họa sĩ võ Tấn Thành nói về công việc của mình.
Sau thành công của chuyên án án ĐB99, họa sĩ Võ Tấn Thành tiếp tục cộng tác với lực lượng công an, giúp phá thành công hàng chục vụ án nghiêm trọng, bắt được những tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm. Có thể kể đến như vụ án Dũng “chim xanh” năm 2001 hay vụ tên tội phạm người Campuchia cướp tiệm vàng ở Kiên Giang năm 2009.
Họa sĩ Thành bên bức chân dung anh hùng, liệt sĩ Điểu Cải. (Ảnh: Zing.vn) |
Năm 2006, nhận thấy tiềm năng của công việc này và yêu cầu ngày càng cao của cơ quan công an, họa sĩ Võ Tấn Thành quyết định đào tạo con trai nối nghiệp mình. Mỗi khi được công an mời cộng tác, ông đều đưa con trai Võ Tấn Phát theo cùng, kiến thức tích lũy nhiều năm của công việc đặc biệt này đều được người cha họa sĩ truyền lại cho con trai.
Dần dần, Võ Tấn Phát trở thành trợ lý đắc lực, tiếp thu các kiến thức đã được cha dày công vun đắp. Tuy nhiên, vì còn trẻ nên Phát có thêm lợi thế về công nghệ thông tin, khả năng xử lý công việc ngay trên máy vi tính… hỗ trợ ngược lại cho cha, giúp việc phác thảo chân dung tội phạm của 2 cha con nhanh chóng, chính xác hơn.
Đam mê công việc đặc biệt của người cha và cũng có “gen” họa sĩ, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Võ Tấn Phát quyết định dấn thân “nối nghiệp” cha. Nhưng thay vì chỉ là một họa sỹ và cộng tác với lực lượng công an như cha, Phát thi đỗ trường Đại học Cảnh sát nhân dân, ngành khoa học kỹ thuật hình sự. Hiện anh đã ra trường, công tác tại Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, mang quân hàm trung úy.
Nói về việc “nối nghiệp” cha, trung úy Võ Tấn Phát chia sẻ: “Ngay từ nhỏ được tiếp xúc với công việc bố, nên yêu thích hình ảnh người chiến sĩ công an hi sinh quên mình. Từ đó thôi thúc mình, bước vào môi trường của lực lượng công an nhân dân, áp dụng phương pháp vẽ truyền thống đúng định hướng chuyên môn nghiệp vụ, đảm bảo yêu cầu công tác, giúp công việc phá án nhanh hơn, chính xác hơn”.
Họa sĩ Võ Tấn Thành nhận định, công việc vẽ chân dung tội phạm rất kén người, ngoài năng khiếu, họa sĩ còn phải kết hợp nhiều khả năng như thủ pháp tâm lý khi tiếp xúc với nạn nhân hay kiến thức về giải phẫu học. Công việc đòi hỏi đi lại nhiều, nghe nhiều chuyện vụ án thương tâm nên còn đòi hỏi người họa sĩ, chiến sĩ phải có sức khỏe tốt và tâm lý vững vàng. Vì vậy, dù ở vai trò nào, cộng tác viên hay chiến sĩ công an thì việc vẽ chân dung tội phạm không thể thiếu niềm đam mê, sự dấn thân, quên mình./.Chuyển hồ sơ vụ giả công an để bắt người lên Công an TP Hà Nội
Thảm án ở Tiền Giang: Công an làm việc cả trưa khám nghiệm hiện trường
Bộ trưởng Công an: Không để xảy ra vụ việc tương tự vụ Vũ "nhôm"
Bộ trưởng Công an: “Có thể năm trước đã có tình trạng gian lận thi cử“
Công an Vĩnh Long bắt đối tượng còn lại trong vụ cướp 250 triệu