26 bút ký trong tập “Đường biên cương dệt mùa Xuân”- Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, của Đại úy Quân nhân chuyên nghiệp, nhà thơ Phạm Thị Vân Anh, trợ lý tuyên huấn, Cục Chính trị, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP), như 26 câu chuyện thấm đẫm chất thơ, chất nhạc về vùng biên cương Tổ quốc Việt Nam kỳ vĩ tươi đẹp trải dài từ phương Nam đất Mũi Cà Mau đến địa đầu phương Bắc đỉnh Lũng Cú, từ rừng dương phía Đông mũi Sa Vĩ Trà Cổ đến phía Tây trảng bàng Hà Tiên…, với 2.050 km đường biên chạy qua núi cao, sông rộng trên địa bàn 25 tỉnh biên giới từ Quảng Ninh đến Kiên Giang.
Là một tập bút ký theo dấu chân những hoạt động của BĐBP ở vùng biên cương, nhưng lại như một tổng hợp về nhiều miền đất với những nét đặc trưng văn hóa, phong tục, tập quán của 54 dân tộc anh em nơi biên cương, vừa phong phú, đa dạng, vừa độc đáo, tinh tế, vừa lạ lùng kỳ bí, vừa lạ vừa quen…
Bìa cuốn sách“Đường biên cương dệt mùa xuân”. |
Bằng lối viết nhẹ nhàng rất giàu chất thơ, tác giả đã kể lại hành trình của chính mình qua những vùng biên Tổ quốc, với cái nhìn không chỉ là đằm sâu một tình yêu đất nước mà còn là cảm nhận từ trái tim của một “Nàng thơ”. Từng miền đất đi qua, được thể hiện như một giai khúc ngôn ngữ nhiều hình ảnh, nhiều chi tiết, nhiều khám phá thú vị…
Trên hành trình tạc hình Tổ quốc, biên giới chỉ là những nét vẽ ngắt khúc trong bản đồ, nhưng để có những nét vẽ đó, đã có biết bao máu xương , mồ hôi, công sức của ông cha ta trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Và trên hành trình đó, là sự có mặt của bao sắc người dân tộc, để có một vùng biên cương hiền hòa, hữu nghị, ấm áp, chân tình…
Những “đàn đá thần” trên đỉnh Cao Ba Lanh ngân vang trong gió truyền tin cho dân bản. Hay những khúc hát giao duyên Sli, Lượn, những điệu múa “bước đá, bước mây” của miền Tây Bắc núi đá tai mèo trùng trùng điệp điệp sương giăng mờ ảo. Hoặc lắng lòng nghe giai điệu núi rừng của cồng chiêng, đàn Ta lư, khèn bè Xien, đàn Aben với bài Hiê réo rắt…
Rồi sau bao thác ghềnh, theo dòng Au Na hiền hòa thơ mộng chảy giữa cao nguyên Tây Nguyên huyền thoại, để đêm về bên bếp lửa nhà dài nghe Già làng hát kể Hơmon những trường ca dũng sĩ Đam San, Xinh Nhã, Giông, Giở…, để như nghe tiếng sấm rền, tiếng hổ gầm, tiếng chim hót và đặc biệt như một huyền ảo thân bí nối liền quá khứ nghìn năm với hiện tại một cách sinh động và linh thiêng.
Và điểm dừng cuối ở dọc đường biên Tổ Quốc, làm sao có thể không xao xuyền khi ngắm nhìn trong mênh mang sông nước miền Tây Nam Bộ, nghe man mác những điều hò, điệu ví, đặc biệt là giai điệu đờn ca tài tử Nam Bộ như trải tình với quê hương đất nước…
Những bài bút ký mang dấu ấn văn hóa độc đáo dù chỉ như một phác thảo, nhưng khá chi tiết, đủ cho người đọc cảm nhận không khí cũng như sự đặc sắc về phong tục của các dân tộc: Lang thang miền dã sử, Từ miền đất hình cánh sóng, Người Lô Lô trên biên cương cực Bắc, Nhịp xoang dưới chân Chư Mom ray, Vũ điệu trên than hồng, Hành trình La Hủ, Thương lắm Sila…
Đồng thời, “Đường biên cương dệt mùa xuân” còn là một tổng hòa những bản tình ca về tình hữu nghị giữa các dân tộc anh em, giữa các quốc gia có chung đường biên, đặc biệt là có chung một dòng Mekong huyền thoại: Việt Nam- Lào- Campuchia- Mianmar- Thái Lan- Trung Quốc.
“Tình phù sa” là một bài bút ký theo chiều dài dòng Mekong từ thượng nguồn ở cao nguyên Tây Tạng, Trung Quốc, dòng Lan Thương Giang- con sông cuộn sóng, miệt mài chảy giữa rợn ngợp thành quách đá, để đổ xuống, trài dài như dải lụa mềm đền các quốc gia Lào- Mianmar- Thái Lan với tên Mekong, rồi khi đổ vào Campuchia sông dồn Biển Hồ, từ đó hướng ra biển đi qua Việt Nam với dòng Cửu Long có 9 nhánh.
Thủy chung biên giới Việt- Lào, với “Những miền đất ghép đôi” như ở bản A Ho (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, Việt Nam) và Đenvilay (huyện Mường Noong, Savanakhet, Lào) đầy nghĩa tình, để tình đoàn kết mãi xanh.
Việt Nam - Campuchia sông liền sông, đồng liền cánh đồng, người Việt người Campuchia đùm bọc chia sẻ, giúp đỡ nhau vượt qua thiên tai hoạn nạn, cùng nhau xây dựng biên giới bình yên, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Vào những mùa lễ hội, có thể nghe câu “xamakhi”- đoàn kết, luôn trên môi người Việt người Campuchia, như anh em một nhà.
Bút ký “Năm thế kỷ tương tư Nam Quốc” là một bút ký nhiều xúc động về một “tộc” người Việt- người Kinh Tam đảo ở trấn Giang Bình, khu Phòng Thành, Thành phố Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc. Có 3 ngôi làng biển Vạn Vỹ, Ô Đầu, Sơn Tâm, gốc xa xưa là dân cư biển Đồ Sơn, Hải Phòng vượt biển đến đây cư ngụ và sinh sống 5 thế kỷ nay. Và khắc khoải tiếng đàn bầu vọng cố quốc như nghĩa tình đau đáu nhớ về cội nguồn tổ tiên chưa bao giờ phai trong cuộc sống của họ…
“Mekong sông dài hơn 2000 cây số mông mênh/Nguồn tự Trung hoa có Vạn Lý Trường Thàn/ Có Hy Mã lạp Sơn, Động Đình Hồ, Tây Du, Thủy Hử/ Mekong chảy/ Cây lao đá đổ/ Ngẫm nghĩ voi đi/ Thác Khôn cười trắng xóa/ Lan hoang dứa mật thông nhựa lên hương/ Những trưa hè ngun ngút nắng Trường Sơn/ Rừng Lào- Miên rộng quá/ Dân Lào- Miên mến yêu/… Ta cởi áo lội dòng sông ta hát/ Mekong chảy Mekong cũng hát…”- Cửu Long Giang ta ơi, Nguyên Hồng.
“Đường biên cương dệt mùa Xuân” của Phạm Vân Anh còn là những bút ký về những con người ở miền biên cương, không chỉ là một lòng “trung với nước, hiếu với dân”, mà còn là những con người gắn bó máu thịt với biên cương Tổ quốc. Ngoài nhiệm vụ bào vệ giữ gìn an ninh chủ quyèn lãnh thổ, vùng biên, họ còn là những “hạt giống tâm hồn”, là linh hồn của nhân dân vùng biên.
Từ “Chuyện về Ông Lớn vùng biên” Việt Nam- Campuchia Tà Nghĩa- lão nông Bùi Văn Nghĩa, giúp dân cả hai bên biên giới trồng lúa, tạo dựng cuộc sống âm no hạnh phúc cho dân hai xã Ruông (Campuchia)- Tân Hà (Tây Ninh- Việt Nam). Đến “Cảm ơn thầy thuốc Bộ đội biên phòng Việt Nam” của ngừoi dân bản Thoong Pẹ, Cămcot, Bolikhamsay, Lào. Họ là những bác sĩ quân y BĐBP Việt Nam, những thầy thuốc cắm chốt ngoại biên làm nghĩa vụ quốc tế, giỏi tiếng Mông, Chứt, Thái đen, Thái đỏ của nước bạn Lào.
Những câu chuyện cảm động về đồn trưởng đồn biên phòng Mường Khương, Lào Cai, Thượng tá Trần Quốc Khải với 20 năm hơn gắn bó vùng đất biên cương trở thành “Người của Mường Khương”, hay Thiếu tướng Lê Như Đức được mệnh danh “Người về thắp lửa vùng biên”, Trung tướng Tư lệnh BĐBP Hoàng Xuân Chiến “Tài đức trong giảng đường, đảm lược ngoài biên cương”…
“Đường biên cương dệt mùa Xuân” của Phạm Vân Anh là một bút ký về biên cương có tính tổng hợp cao cả chiều dài biên giới Việt Nam. Không chỉ phản ảnh những vần đề thuộc về cương vực lãnh thổ mang tính luật pháp quốc tế mà còn là bức tranh toàn cảnh về đời sống của cả miền biên cương đầy sắc màu đa dạng phong phú.
Đặc biệt là hoạt động của những chiến sĩ quân hàm xanh thục hiện những nhiệm vụ Tổ quốc giao cho, góp phần đưa biên cương trở thành điểm sáng về hội nhập quốc tế, chào đón bạn bè bốn phương đến với Việt Nam.
Một tập bút ký giàu chất thơ, và điểm thu hút nhất của tập bút ký này chính là những trang viết nhiều nét đặc sắc về văn hóa, phong tục, tập quán của các dân tộc suốt chiều dài biên giới, cùng tình hữu nghị găn bó bền chặt của người dân với các quốc gia có chung đường biên, chung dòng Mekong.
Một tập bút ký thật sự rất nên đọc để tìm hiều về cuộc sống vùng biên Việt Nam./.