Ngày  31/7/2015, trong mục Văn hoá, VOV.VN  giới thiệu tập 1 bộ  sách “Hoạ sĩ kháng chiến chống Mỹ cứu nước” do Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh xuất bản. Tác giả bài viết có nhắc đến trường hợp hoạ sĩ Hồng Châu (bút danh khi đi B là Minh Hải) mong trong tập 2 của Bộ sách, bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh sẽ giới thiệu người hoạ sĩ - chiến sĩ  đã mất này.

img_0580_qxqa.jpg

Sau khi đọc bài viết, hoạ sĩ Trương Hiếu, bạn học cùng khoá với hoạ sĩ Hồng Châu, cựu chiến binh trung đoàn 88 sư đoàn 308 đi B năm 1965, trước 30/4/1975 công tác tại Cục chính trị Quân khu 8(miền Trung Nam Bộ), đã gửi tới VOV.VN một số kỷ niệm về người bạn của mình.

Ngày 14/11/1973, tôi từ Quân khu 8 đi lên Lộc Ninh tập huấn theo công văn  của R (Trung ương Cục).

Đường về Lộc Ninh xa xôi!  Mãi tới ngày 10/12, chúng tôi mới tới. Đêm ấy trăng đẹp, nằm trên võng trong trạm đón tiếp của R (mật danh K 90) mà lòng xốn xang.

K 90 là một cánh rừng cao su bạt ngàn hang lối ngang dọc thẳng tắp. Tĩnh mịch. Đó đây lán trại loáng thoáng bóng người. Sáng đầu tiên choàng dậy ở “Thủ đô  Chính phủ cách mạng lâm thời”, đang bơ vơ thì gặp hoạ sĩ Đinh Rú, anh chàng con nuôi của Anh hùng Núp. Tôi với Đinh Rú học cùng với nhau một trường Mỹ thuật Yết Kiêu (Hà Nội). Chỉ khác tôi học khoá 1 mang tênTô Ngọc Vân, còn anh khoá sau. Anh em mừng rỡ… “Rú đến lâu chưa?”- Tôi hỏi - “Dăm ngày rồi, phải chờ đấy”. Rú nói.

Ngày qua ngày… Cách vài hôm lại có thêm người. Bếp ăn của K 90 đông dần. Vào một ngày nắng đã nhạt, K 90 đang chìm dần vào mờ ảo thì có một người nhỏ thó ba lô quá khổ xuất hiện…Tôi nhận ra anh ngay bởi đôi chân vòng kiềng cộng  nụ cười môi trên khẽ nhếch lên chỉ anh mới có, không lẫn với ai được. Chúng tôi ôm choàng lấy nhau cùng hét: “Hồng Châu - Trương Hiếu”…Thì ra cả hai cùng được điều về R phục vụ cho Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn Miền.

Họa sĩ Hồng Châu (phải) và họa sĩ Trương Hiếu (trái).

Mắc võng cạnh nhau dưới tán rừng cao su, hai anh em tha hồ mà ôn mà nhớ những kỷ niệm ngày xưa.

Tôi hỏi: “Ngoài anh vất vả lắm phải không?” – “Chiến trường khu 6 chúng  mình chủ yếu tự cấp tự túc. Sắn là thứ chủ lực” – “Thảo nào ông thích ăn sắn nướng thế?” – “Thế có vẽ được nhiều không?” – “Ác liệt như vậy vẽ cũng không được nhiều.  Chủ yếu là tranh cổ động!”.

Trở lại chuyện về R, anh kể: “Hôm nọ mình lang thang đi chơi vẽ vời tí chút. Có mấy câụ lính đi qua, bảo chỗ họ đang có ông hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông vẽ. Mình nhờ dẫn vào cho biết. Gặp mặt, hoá ra là Huỳnh Công Nhãn, cùng khoá Tô Ngọc Vân với tụi mình. Mình vào khu 6 cũng phải đổi tên, bút danh là Minh  Hải”. Nói đến đây, anh trầm ngâm: “Ở ngoài  Bắc, chắc bố mẹ cũng không biết Minh Hải là mình…”

“Bố mẹ” mà anh nói ở đây chính là bố mẹ tôi. Năm 1955, tôi và anh cùng vào học khoá  1 của trường Mỹ thuật Yết Kiêu. Nhà tôi ở làng Thiền Quang, gần trường, cũng rộng rãi nên anh về nhà tôi suốt những năm học tập. Anh mồ côi cha mẹ, ở với ông chú tại Bắc Cạn. Bố mẹ tôi coi anh như con. Còn anh em chúng tôi coi anh như người trong gia đình. Anh vào Nam sớm hơn tôi. Tôi sau đó cũng đi biền biệt  nên gia đình cũng bặt tin luôn cả hai anh em.

Còn nhàn rỗi nên chúng tôi tranh thủ đi quanh Lộc Ninh, ra sân bay, đi chợ đêm. Nghe kháo nhau ở Lộc Ninh có cửa hàng bánh cuốn Hà Tây thế là chúng tôi tìm đến.  Cửa hàng nằm trên một cái gò, xung quanh là nước, một chiếc cầu tre lắt lẻo làm lối đi vào. Có lần đang vui với hương vị “Hà Tây” thì có tiếng súng cao sạ nổ lụp bụp, rồi tiếng bom nổ, tiếng máy bay xoẹt qua. Xáo động ít phút.

Họa sĩ Hồng Châu (phải) và họa sĩ Trương Hiếu (trái).

Tối đến tôi thường cùng Đinh Rú, Hồng Châu ra suối bắt cá, mò cua (những con cua đá khá to)… để “nhậu” chơi. K 90 bắt đầu đông vui. Các nhà báo, quay phim, chụp ảnh, hoạ sĩ, nhà văn, nhà thơ từ các quân khu về, từ miền Bắc vào, chuẩn bị cho Đại hội. Nhớ mãi em gái Ngọc Thơ cấp dưỡng của K 90 lúc nào cũng lo đủ nước pha trà cho các anh…

Trong thời gian Đại hội, chúng tôi tranh thủ gặp và vẽ chân dung các anh hùng, chiến sĩ thi đua của Miền, cảnh sinh hoạt của Đại hội. Các sáng tác này được trưng bày ngay trong thời gian Đại hội.

Hoàn thành nhiệm vụ, Hồng Châu về khu 6. Tôi về khu 8. Cả hai chia tay nhau không nghĩ ngày chiến thắng 30/4/1975 lại đến nhanh như vậy. Sau ngày chiến thắng, chúng tôi gặp nhau tại Hà Nội. Mừng nhất là Hồng Châu vừa lấy vợ. Chị Sáu, vợ anh cũng là một chiến sĩ khu 6. Sau lần vợ chồng anh ra thăm chúng tôi, có cả ông chú ở Bắc Cạn về, anh chị lại trở về khu 6. Rồi  sau đó, tôi sững sờ nghe tin anh qua đời ở quân y viện 175 (thành phố Hồ Chí Minh) vì những di chứng do chiến tranh để lại. Hồng Châu - Minh Hảỉ ra đi vào cõi sắc sắc - không không, để lại nỗi nhớ khôn nguôi cho người vợ trẻ, cho bạn bè, đồng đội, đồng nghiệp…

Bốn mươi năm đã đi qua, nhớ nhớ quên quên là chuyện  bình thường. Hy vọng các bạn của Hoạ sĩ Phạm Hồng Châu (Minh Hải) ai biết điều gì về Anh (đặc biệt là các tranh vẽ) thì hãy cung cấp cho Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh để có thể đưa Anh vào tập 2 của bộ sách”Hoạ sĩ kháng chiến chống  Mỹ cứu nước”. Tôi cũng xin gửi vài bức ảnh chụp cùng Hoạ sĩ Hồng Châu - Minh Hải  tại Lộc Ninh đầu năm 1974./.