"Bài ca bên bờ nước" được đánh giá là những bản tình ca về màu sắc của cuộc sống, về thiên nhiên, vẻ đẹp của tâm hồn con người được thể hiện qua những bức tranh trừu tượng. Tuy nhiên, những "bài ca" này cũng cần có khoảng lặng, sự tĩnh tại để cảm nhận được dòng chảy của thời gian, một góc thảnh thơi để đôi khi ta dừng lại và chiêm nghiệm thế giới bên trong của chính ta, như một tấm gương phản chiếu thế giới bên ngoài vậy.
Họa sĩ Thái Tĩnh và nhà thơ Đinh Hoàng Anh |
Phong cách hội họa của họa sĩ Thái Tĩnh giống như cuộc sống của chính tác giả vậy, đó là luôn hướng đến sự thảnh thơi, nhẹ nhàng giản dị, nên tranh của ông cũng mang hơi thở đó.
Người họa sĩ tài năng này cho biết, ông vẽ tranh theo cảm hứng, thích gì vẽ nấy, gặp gì vẽ nấy, không câu nệ về hình thức hay nội dung. Bởi với ông, hội họa là con đường tìm hiểu bản thân và đi đến sự bình an bên trong của tâm hồn, mỗi tác phẩm đều cho ông hiểu thêm một chút về con người mình, qua đó sẽ hiểu thêm về cuộc sống. Vì lẽ đó mà họa sĩ Thái Tĩnh thường vẽ tranh trong những lúc thư thái, để mặc cho cảm xúc cuốn đi, đôi khi vẽ xong ông chẳng biết mình vẽ gì nữa.
Những bức tranh trừu tượng của họa sĩ Thái Tĩnh |
Nếu có ai một lần quan sát họa sĩ Thái Tĩnh vẽ những bức tranh trừu tượng chắc sẽ có cảm giác giống như ông đang gieo hạt nước trên toan vậy. Cách họa sĩ vẽ rất đặc biệt, đó là vẩy những giọt màu lên toan, rồi lùi về phía sau ngắm nước màu đang từ từ chảy xuống. Nước bắt đầu loang ra toàn tấm toan trên một màu nền đã được bôi sẵn và dường như một điều gì đó dần được hình thành.
Tuy nhiên, điều ấn tượng hơn cả trong triển lãm tranh "Bài ca bên bờ nước" chính là sự phối hợp hoàn hảo giữa thơ - nhạc - họa. Công chúng có thể vừa ngắm tranh, vừa được thưởng thức những ca khúc hát thơ do chính họa sĩ Thái Tĩnh thể hiện với phần đệm đàn của nghệ sĩ - nhà thơ Đinh Hoàng Anh cũng là người "bạn đời" của ông.
Người họa sĩ này cho biết, ông đã hát khá nhiều bài thơ của Đinh Hoàng Anh trong nhiều năm qua, nhưng đến gần đây mới hoàn thành việc phối khí và thu âm CD Hát thơ đầu tiên có tên "Tiếng rao". Bởi ông thích những bài thơ của người phụ nữ ấy vì nét dịu dàng. Cho nên, khi thấy bài thơ nào gây cảm hứng sâu sắc, ông thường hát lên với giai điệu ngẫu hứng và rất tự nhiên.
Vì sự đồng điệu của hai tâm hồn đó, họa sĩ Thái Tĩnh và nhà thơ Hoàng Anh đã quyết định in chung tập ca khúc Hát thơ đầu tiên có tựa đề "Một thoáng mơ xưa", để đánh dấu sự đồng hành của cả hai trên con đường sáng tạo nghệ thuật.
Còn với Đinh Hoàng Anh, cô luôn quan niệm rằng, người làm thơ giống như một người hát ru, thả xuống nhân gian những sợi tơ mong manh dịu dàng và đôi khi vô vọng, vì biển khổ quá mênh mông: “Thế mà những sợi tơ ấy được kết từ nước mắt và từ máu của trái tim thi sĩ”.
Có lẽ vì thế mà đâu đó trong thơ cô, mỗi người như nhìn sâu được vào mình và cũng như lắng sâu hơn với đời. Người đọc có thể cảm nhận được những rung động, những xúc cảm tuyệt vời từ con tim nhân hậu và sự trong trẻo đến thánh thiện của tâm hồn thi sĩ nơi cô.
Cặp vợ chồng nghệ sĩ Đinh Hoàng Anh và Thái Tĩnh nổi tiếng với những cuộc triển lãm chung đầy ngẫu hứng với thơ - nhạc - họa. Một người làm thơ, một người vẽ tranh và hát, tưởng như không hề có sự liên quan nhưng những tác phẩm nghệ thuật, văn chương độc lập của họ luôn hỗ trợ nhau tạo nên một không gian hài hoà và mang đến những cảm xúc mới lạ cho người xem trong mỗi sự kiện.
Chẳng vậy mà, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng, trong đời sống văn học nghệ thuật hiếm có cặp vợ chồng nào lại vẽ tranh – làm thơ và hát có sự hòa đồng, tương tác như thế. Cuộc chơi số phận đã cho Hoàng Anh và Thái Tĩnh gặp nhau để có sự gắn kết với nhau giống như hai câu thơ: “Hai đứa bằng thơ với họa, sống vào trời đất, sống cho nhau”./.