“Phát triển văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập Quốc tế” là chủ đề hội thảo khoa học do Viện Văn học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức nhằm tổng kết, đánh giá thành tựu và những vấn đề đang đặt ra cho văn học Việt Nam sau 30 năm đổi mới.

Báo cáo đề dẫn hội thảo "Phát triển văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập Quốc tế” nêu rõ: sau gần 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, cùng với những thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, văn học Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên con đường hiện đại hóa và hội nhập văn học với thế giới.

img_5097.jpg
Toàn cảnh buổi hội thảo. (ảnh: Phương Thúy)

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, văn học thời kì đổi mới còn nhiều hạn chế, bất cập, vẫn chưa có những kết tinh nghệ thuật tầm cỡ và những công trình khoa học xã hội và nhân văn bề thế, sâu sắc. Báo cáo đề dẫn nêu rõ: văn học dân tộc trong 30 năm qua tồn tại và phát triển trong một bối cảnh hoàn toàn khác biệt so với văn học trước năm 1975.

Do vậy, xuất phát từ quan điểm đổi mới và phát triển bền vững, chúng ta cần phải cắt nghĩa, đánh giá văn học thời kì đổi mới một cách khách quan, lấy đổi mới làm tư tưởng chủ đạo, lấy hiện đại hóa làm tinh thần cốt lõi của phát triển và hội nhập quốc tế.

Tại hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn học kiến nghị: “Chúng ta phải phân biệt rõ đâu là những tác phẩm đồng hành với đổi mới, nhất là đổi mới trên tinh thần  hội nhập. Mà đã là hội nhập thì phải có tiêu chí của hội nhập của khu vực và của văn học quốc tế chứ không thể nói bản sắc của chúng tôi là khác biệt hoàn toàn với hội nhập. Đây là một vấn đề mấu chốt đặt ra trong hội thảo, cũng như trong việc chúng ta tổng kết lại một giai đoạn văn học đổi mới, để hướng đến một nền văn học đi đúng quỹ đạo, đảm bảo tự do dân chủ nhưng cũng đảm bảo những giá trị văn học dân tộc.”

Các đại biểu tham dự hội thảo đã bày tỏ quan điểm và giải pháp về xây dựng nền văn học nhân văn, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc trong thời gian tới, với 6 giải pháp, trong đó chú trọng tự do sáng tác, thử nghiệm của nhà văn, tăng cường mở rộng giao lưu văn hóa, đẩy mạnh công tác dịch thuật; kết hợp với ban hành kịp thời những chủ trương, chính sách hợp lý về văn học, nghệ thuật, đầu tư thích đáng cho văn học, đổi mới phương thức quản lý văn học với cơ chế thích hợp ./.