Nhà văn, nhà viết kịch Học Phi, người viết tác phẩm “Ni cô Đàm Vân” và nhiều tác phẩm để đời khác được nhiều thế hệ khán giả yêu mến đã ra đi ở tuổi 102. Cả cuộc đời ông dành cho sáng tạo nghệ thuật, ngay cả trong những ngày cuối đời, ông vẫn cầm bút, chỉ đạo dàn dựng các tác phẩm sân khấu một cách minh mẫn. Ông được xem là cây đại thụ trong nền văn học nghệ thuật nước nhà.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước tại Hưng Yên, cơ duyên đưa tác giả Học Phi đến với nghiệp cầm bút cũng khá tình cờ. Năm 1933, ông bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò khi tham gia cách mạng. Tại đây ông được gặp đồng chí Trường Chinh. Thấy ông ham học lại có năng khiếu về văn nghệ, có lần đồng chí Trường Chinh bảo ông: “Nay mai cậu ra tù nên học viết văn vì văn nghệ cũng là vũ khí đấu tranh sắc bén của Đảng”.

hocphi1.jpg
Nhà văn Học Phi (Ảnh: Dân trí)

Ghi nhớ lời nói của đồng chí Trường Chinh, năm 1936 ông bắt đầu viết văn với tác phẩm đầu tay là tiểu thuyết: “Hai làn sóng ngược”. Sau đó ông viết tiếp hàng loạt truyện ngắn đăng trên báo Tin tức và các báo khác ở Hà Nội. Năm 1939, ông tiếp tục viết và xuất bản được 3 cuốn tiểu thuyết: “Đắm tàu”, “Dòng dõi”, “Yêu và thù”…

Nhà văn Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Học Phi là một trong những người có công to lớn trong việc xây dựng văn hóa kiến quốc. Ông là người gắn bó với đời sống của nhân dân, luôn có những tác phẩm rất kịp thời về đời sống của nhân dân. Một nhà văn trực diện với đời sống, vừa đồng hành vừa là chứng nhân, tác giả cuộc sống kháng chiến và xây dựng, bảo vệ tổ quốc của dân tộc. Ông là một cây đại thụ trong nền văn học nghệ thuật nước nhà”. 

Năm 1953, với vở kịch “Chị Hòa” - viết về những nội dung liên quan đến công cuộc cải cách ruộng đất, Học Phi đã khẳng định được vị thế của mình trong làng sân khấu kịch nước ta. Sau thành công của vở kịch “Chị Hòa”, một loạt tác phẩm mới của ông ra đời như: “Một Đảng viên”, “Hoàng Lan”, “Ni cô Đàm Vân”… đều là những kịch bản có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao, tạo dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả yêu sân khấu.

Tác giả Học Phi tâm niệm, luôn phải có tranh luận, trao đổi thì mới có thể xây dựng một vở diễn tốt. Chính sự kỹ tính, luôn yêu cầu hoàn hảo ở Học Phi mà mỗi tác phẩm của ông khi đến với khán giả luôn được chau chuốt, hoàn thiện và trở thành tác phẩm tiêu biểu.

NSƯT Hà Quốc Minh, người đã nhiều năm làm việc với nhà văn Học Phi, cho biết: “Khi làm việc với tác giả Học Phi mới thấy ông có một tình yêu rất lớn với sân khấu. Ông rất thẳng thắn, khi không đồng ý với ekip, diễn viên, đạo diễn là nói ngay. Ông luôn nói, nếu chúng ta có gì không đồng ý với nhau có thể tranh luận thẳng thắn, không thể động viên chung chung. Tôi cho rằng đây là một tính rất tốt trong nghệ thuật, rất đáng kính trọng”.

Tác giả Học Phi đã dâng hiến cả cuộc đời cho cách mạng, cho sáng tạo nghệ thuật. Ông để lại một gia tài đồ sộ với 30 vở kịch, 20 tập tiểu thuyết, truyện ngắn, hồi ký cùng rất nhiều bài báo tâm huyết mà hầu hết nhân vật trung tâm đều là người Đảng viên cộng sản. Tác giả Học Phi cho thấy sức mạnh kỳ lạ về năng lực cầm bút, dù đã ngoài 100 tuổi, ông vẫn viết, vẫn sáng tạo.

Tác giả Đỗ Diệp Khang, Hội sân khấu Việt Nam chia sẻ: “Ông là người rất có ý trí, tính mục đích rõ ràng, quan điểm rõ ràng. Phải nói rằng 100 tuổi mà vẫn ngồi viết, tôi phục quá. Ông vừa viết xong tiểu thuyết “Đi tìm mái ấm gia đình” và một kịch bản phim”.

Ở lĩnh vực sáng tác là vậy, ở lĩnh vực quản lý, nhà viết kịch Học Phi từng là Tổng Thư ký Văn hóa kháng chiến Liên khu 3, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam và Tổng Thư ký Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam. Cho dù ở cương vị nào, ông luôn thể hiện sự cầu toàn, chỉn chu và hết mình với công việc. Với những đóng góp của mình, ông được Đảng và Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt 1; Huân chương Độc lập hạng Nhất và Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng.

Nhà văn Chu Lai, con trai tác giả Học Phi xúc động nói: “Khi bố ra đi, tôi buồn thương vô hạn, thế là hết một cuộc đời người đàn ông vắt mình qua 2 thế kỷ. Khi bố còn tỉnh táo, tôi có nói với bố rằng: Bến bờ văn chương là vô cùng, vô tận, cậu và con càng viết càng cảm thấy xa bờ. Bây giờ bố mệt rồi, bố nghỉ ngơi đi, nhưng bố không nghe. Bố bảo: Nếu không viết sẽ từ từ chết dần. Hóa ra trang viết của một người cầm bút ở tuổi cao niên thì ngọn bút, con chữ đó là cái neo cuộc sống, neo tâm hồn con người và khi rời cái neo đấy thì con thuyền sáng tạo, con thuyền đời sẽ trôi bồng bềnh và rất vô vị. Có thể nói, ông đã tìm thấy cái hữu vị trong những ngày cuối đời”.

Dù biết “sinh, lão, bệnh, tử” không chừa một ai, nhưng sự ra đi của tác giả Học Phi vẫn là một sự mất mát lớn của ngành văn học nghệ thuật nước nhà./.