Nhà văn Nguyễn Thế Quang là người có duyên với đề tài lịch sử. Ông đã từng được độc giả biết đến qua các tiểu thuyết "Nguyễn Du" in năm 2010 và tái bản 2 lần vào các năm 2012, 2015, tiểu thuyết "Khúc hát những dòng sông" viết về bà Hoàng Thị Loan, in năm 2012, tái bản năm 2013, tiểu thuyết "Thông reo Ngàn Hống", viết về Nguyễn Công Trứ in năm 2015 và tái bản năm 2018. Cả ba cuốn tiểu thuyết đều từng giành những giải thưởng cao.
Toạ đàm giới thiệu tiểu thuyết "Đường về Thăng Long" của nhà văn Nguyễn Thế Quang. |
Năm nay, nhà văn Nguyễn Thế Quang đã giới thiệu tới độc giả cuốn tiểu thuyết lịch sử dày dặn gồm 566 trang về đại tướng Võ Nguyên Giáp mang tên "Đường về Thăng Long" trong buổi toạ đàm diễn ra vào sáng 12/12 tại Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV). Tới dự toạ đàm có PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương tới dự toạ đàm. |
Trò chuyện tại buổi toạ đàm, nhà văn Nguyễn Thế Quang chia sẻ: "Khác với các cuốn tiểu thuyết trước, lần này, tôi xây dựng một nhân vật của thời đại mới. Trong số các hình tượng của thời đại, tôi chọn hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có thể nói cuốn sách là tất cả sự ngưỡng vọng của tôi đối với Đại tướng nhưng viết về Đại tướng là một thách thức rất lớn. Sự vĩ đại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì tất cả chúng ta đều đã biết. Tôi muốn đì tìm nguồn gốc làm nên sự vĩ đại đó".
Nhà văn Nguyễn Thế Quang phát biểu trong buổi toạ đàm ra mắt cuốn tiểu thuyết lịch sử về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Tiểu thuyết lịch sử "Đường về Thăng Long" tập trung làm nổi bật hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong khoảng thời gian những năm đầu thế kỷ XX từ 1925 đến trước năm 1946, bằng phương pháp hồi tưởng. Tập trung khai thác giai đoạn này, tác phẩm muốn nhấn mạnh vào tâm thế của người tìm đường – chọn đường – nhận đường trong một thời điểm trọng đại của lịch sử dân tộc.
Cùng với việc xây dựng và khai thác nhân vật chính Võ Nguyên Giáp, tác giả còn tập trung khai thác thể hiện cuộc dấn thân vĩ đại của một thế hệ vàng, suốt đời vì nước vì dân. Một loạt các nhân vật lịch sử khác cũng hiện lên với những mức độ đậm nhạt khác nhau, nhưng đều hướng tới việc làm nổi bật chủ đề tác phẩm. Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Trọng Kim, Nguyễn Tường Tam, Hoàng Xuân Hãn, Bảo Đại, Phạm Văn Đồng, Phan Anh, Cao Xuân Huy… Giữa các tuyến nhân vật có nhiều sự khác biệt, thậm chí mâu thuẫn, bởi những sự lựa chọn và cách nhìn nhận quan điểm khác nhau, song lịch sử đã mang tới cho chúng ta câu trả lời đúng đắn nhất: “Nhân dân chọn ai, người đó thắng bởi có dân là có tất cả”.
Bên cạnh đó, tác giả đã mạnh dạn tái hiện những điều “có thể có thật” - đó là những “khoảng mờ” trong lịch sử hoặc là những riêng tư, thao thức mà chính sử không thể có. Đó là những trang viết miêu tả cuộc gặp gỡ giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp với các trí thức, nhân sĩ hàng đầu đất nước, với cả “vong linh” người vợ trẻ đã quá cố Nguyễn Thị Quang Thái, hoặc những thao thức của các nhân vật “phức tạp” như học giả Trần Trọng Kim,…
Trong tiểu thuyết này, ngoài việc làm nổi bật con người hành động Võ Nguyên Giáp, tác giả còn tập trung khai thác diễn biến tâm trạng, tâm lý nhân vật trong những mối quan hệ với gia đình, người thân, vợ con, bạn hữu, từ đó làm nổi bật con người Võ Nguyên Giáp - một trí thức – người anh hùng đậm chất đời, gần gũi và mến thương hơn trong cảm nhận của mỗi độc giả.
Nhận định về hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tiểu thuyết "Đường về Thăng Long", nhà văn Bùi Việt Thắng cho biết: "Sẽ rất khó khăn cho nhà văn khi tái hiện nhân vật lịch sử tầm cỡ như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vì cái "khoảng cách sử thi", như các nhà lý luận đã chỉ ra. Nhưng tác giả đã khéo léo vượt qua cái ranh giới tưởng như nhất thành bất biến này. Bằng cách như là người trong cuộc, ướm mình vào nhân vật mà viết. Ngay chương I, nhân vật chính Võ Nguyên Giáp đã xuất hiện, từ đó cho đến dòng cuối, trở thành "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt tác phẩm. Như vậy, lồng lộng hình tượng Đại tướng là con người của tinh thần "dĩ công vi thượng", cao như Thái Sơn, dài như Hồng Hà giang. Con người của hành động với trí tuệ mẫn tiệp tuyệt vời, tình cảm sâu thẳm vì nước, vì nhân dân".
Nhà văn Bùi Việt Thắng: "Đọc "Đường về Thăng Long", riêng tôi thấy nhân vật Đại tướng Võ Nguyên Giáp có "hào quang" một hiện tượng hiếm thấy trong các tiểu thuyết lịch sử từ trước tới nay. Nhưng nhân vật không khiến độc giả "kinh nhi viễn chi", trái lại gần gũi ruột thịt, thậm chí như có thể tri âm tri kỷ". |
Qua những trang viết tái hiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tác giả cũng đồng thời khằng định con đường đúng đắn mà Đảng, Nhà nước và Bác Hồ đã lựa chọn, nhất quán đi tới cùng trong việc xây dựng một sự nghiệp cách mạng, mang lại chủ quyền độc lập cho dân tộc, hòa bình hạnh phúc cho nhân dân. Vì thế, một tư tưởng nữa mà tác phẩm muốn hướng đến, đó chính là tinh thần hòa hợp dân tộc trong việc cùng vun đắp cho một mục đích chung, vì lợi ích của đất nước và nhân dân. Đó cũng là chủ trương mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xướng lúc bấy giờ mà ngày nay Đảng và nhân dân ta đang thực hiện.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại buổi tọa đàm. |
Đánh giá cao nỗ lực và sức sáng tạo của nhà văn, nhà giáo Nguyễn Thế Quang, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ bày tỏ: "Người sáng tạo văn học nghệ thuật ở các địa phương thường có những thiệt thòi, khó khăn. Nhà văn Nguyễn Thế Quang thì phạm vi hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực giáo dục. Thế nhưng điều đáng quý nhất của nhà văn Nguyễn Thế Quang là nỗ lực và sức sáng tạo nghệ thuật không ngừng để giới thiệu đến độc giả những tác phẩm văn học, lịch sử chất lượng”.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ. |
"Đường về Thăng Long” là một cuốn tiểu thuyết có sức nặng tư tưởng, thể hiện những tâm huyết, suy nghĩ mới mẻ của tác giả về thời cuộc, về cách đánh giá các sự kiện và nhân vật có vị trí quan trọng trong lịch sử hiện đại của đất nước ta. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhận định: "Cùng với tiểu thuyết "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4-5.75" của nhà báo Trần Mai Hạnh, cuốn sách "Đường về Thăng Long" của nhà văn Nguyễn Thế Quang góp phần làm phong phú thêm dòng văn học Cách mạng. Đây là những cuốn sách rất cần thiết cho thế hệ sau này. Tôi mong các nhà lý luận nên chú ý để động viên các thế hệ nhà văn viết, duy trì dòng văn học Cách mạng"./.