Tôi quyết định quay lại văn xuôi từ 1996, sau 10 năm buông bút.

Bấy giờ là thời chưa có internet ở Việt Nam. Tôi viết một chùm truyện và đem theo mỗi khi xuân kề Tết đến.

Về thăm cụ Tô Hoài, khoe. Cụ Tô bảo, đưa đây, mình in trên Người Hà Nội. Cậu là dân Hà Nội mà. Thực ra, tôi có thể in ở Tuần báo Văn Nghệ, nơi bạn tôi Bế Kiến Quốc đang làm, ưu thế nữa là ông Hữu Nhuận, cha của tiến sĩ ngôn ngữ, trưởng khoa văn Đại học Quốc gia hôm nay, anh Phạm Xuân Thạch, rất cảm tình và yêu quý tôi cũng đang làm Thư kí tòa soạn báo Văn Nghệ.

77124861_450020175655680_3802906821476220928_n_ghqv.jpg
Nhà văn Nguyễn Anh Biên.

Cụ Tô nói, tôi phải nghe. Và, thực sự Tuần báo Người Hà Nội, báo địa phương, bấy giờ cũng đang là tờ báo văn sang trọng, tia-ra cũng ngất ngư chạm sự ngửa ngang với Tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, chứ đâu có "tủi thân" như ngày nay.

Trao cho ông Tô truyện ngắn "Ám ảnh".

"Ám ảnh" có đoạn viết khá trần trụi, mạnh dạn thời bấy giờ, đã tả có chi tiết một anh lính đi lấy đạn ở sân ga Vinh, ngủ trên sân ga chờ sáng. Trong cơn mê - tỉnh, anh ôm sang một nữ TNXP về ngủ sau khi đi phá bom, làm đường trở về muộn. Và anh lính trinh tân ấy đã xuất tinh nguyên cả quần áo... Chi tiết sặc mùi nhục dục đặt vào ngữ cảnh chiến tranh ác liệt, nói được khát vọng thanh bình ngay trong cuộc chiến của lứa học trò vừa buông bút đã phải cầm súng, được ngay sau đó trực tiếp Tổng biên tập Nguyễn Anh Biên nhận từ cụ Tô và biên tập, rồi in ngay.

Ngay sau năm đó, tôi biết tin, mừng theo đà, từ Đức fax về cho con gái tôi để nó đem đến Báo Người Hà Nội, muốn in tiếp truyện ngắn "Người Hà Nội" của tôi trong tâm cảnh ở tận Đức, tâm thế tha nhân, vẫn tha thiết nhớ về Hà Nội đầy thương yêu, đêm đêm ngửi thấy cả mùi sương ngan ngát Tây Hồ, nhìn rõ cả phù sa Hồng Hà pha đỏ máu bè bạn Hà Nội của chúng tôi. Máu chảy rớt rỉ đặc quánh bám từng vệt trên cầu Long Biên quanh khẩu 12,7 li.

Lại Tổng biên tập Nguyễn Anh Biên nhận và in không cắt chữa một từ. Báo Người Hà Nội in truyện "Người Hà Nội"!

Truyện ngắn "Người Hà Nội" đưa ra một khái niệm, anh sẽ thuộc về vùng đất nào đấy, bất kì anh sinh ở nơi nao, khi anh yêu nó tha thiết. Đã yêu, đã sẵn sàng chết cho nó, thề bảo vệ nó đến hơi thở cuối cùng, để anh sẽ mãi thuộc về nơi ấy, tô rõ bằng máu cho cụm từ Người Hà Nội, văn học đưa ra vấn đề thuộc về một định tính có phần tâm hồn cao hơn cả phần xác thịt...

Bàn việc văn, thời bấy giờ văn học ta còn bảo thủ lắm, việc in một truyện có chi tiết tả rất xi nê, cảnh anh lính làm tình, là một sự bứt phá mạnh dạn của sự tự chịu trách nhiệm, trong tư cách người làm báo cùng với tác giả, mà tác giả lại ở nước ngoài. Yếu tố nước ngoài "e ngại, nghi ngờ" khi chưa có nghị quyết 36, chứng tỏ sự đổi mới và sự cảm thông của Nguyễn Anh Biên với cá nhân tôi không hề nhẹ.

Làm báo như thế, trong cái ghế mà có thể tha hóa vẫn giữ vững tình yêu với văn chương, ứng xử vô tư, đầy trách nhiệm với tác giả, tác phẩm của một người chưa từng biết mặt, không hề gặp gỡ! Sự này, tôi đánh giá là ông Tổng biên tập Nguyễn Anh Biên là người làm báo có trách nhiệm với văn chương, không vụ lợi cá nhân, tức thuộc dạng "Người tử tế".

Sau nhiều sự kiện văn học khác của cá nhân, tôi vẫn tha hương biền biệt trên đường xa tuyết trắng, tận năm 2011 mới về nước làm quen nhà thơ Nguyễn Bảo Chân và bất ngờ gặp ông Nguyễn Anh Biên đi cùng con gái tới Hội thơ ở Văn Miếu, để lần đầu trò chuyện, chiêm ngưỡng chân dung ông, bên con gái là nhà thơ nữ tôi hâm mộ.

Nghe tin sáng qua, 26/11 ông đi rồi. Trời ơi, thêm một "Người tử tế" lại bỏ chúng ta đi rồi.

Ông sẽ ra đi gặp bạn thân của tôi, Bế thi sĩ, gặp các bậc cha chú tôi, các ông như cụ Tô Hoài, Lê Đạt, Lê Bàu, Cao Nhị, đàn anh và đồng nghiệp của ông... Những người tôi yêu trọng, xa vời đâu đẩu đâu vẫn thương nhớ khôn nguôi...

Sớm nay, cúi đầu trong đêm tối, giữa vườn xanh tôi đã về ở giữa Hà Nội, âm thầm đưa tiễn ông, một đồng nghiệp, đấng đàn anh, đàn chú, một người trong số tôi biết ơn đã vô tư hào sảng cho cái chung mong manh cho nền văn học xứ Việt, bất kể bạn là ai, mặt mũi ra sao, miễn là tâm hồn phải đẹp và sang trọng.

Đêm nay chậm khóc đưa ông về trời./.

Nhà văn Nguyễn Anh Biên
Hội viên Hội Nhà văn Việt NamHội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt NamHội viên Hội Nhà báo Việt Nam.Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Hà NộiNguyên Tổng biên tập báo “Người Hà Nội”Nguyên quán: Xã Trường Trung, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh HoáSinh ngày 18/12/1937. Đã từ trần lúc 5 giờ sáng ngày 26/11/2019 (tức ngày 1/11 năm Kỷ Hợi), hưởng thọ 83 tuổi.Lễ viếng tổ chức từ 9 giờ đến 11 giờ sáng ngày 27/11/2019 (tức ngày 2/11 năm Kỷ Hợi), tại Nhà Tang lễ Bệnh viện 103, địa chỉ: 89 Phùng Hưng, phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội.