Nhân dịp kỷ niệm 61 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2015), Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt hai tác phẩm mới về Hà Nội, đó là tiểu thuyết “Hà Nội, một thời tuổi trẻ” của tác giả Trần Văn Thụ và tập tản văn “Thương thế, ngày xưa…” của nhà văn Lê Minh Hà.

“Hà Nội, một thời tuổi trẻ” là những trang viết sinh động và đầy cảm xúc về Hà Nội những năm tháng kháng chiến chống Pháp, về cuộc sống của người dân Hà Nội, đặc biệt là của sinh viên, học sinh, của thanh niên Hà Nội - những con người trẻ tuổi, thanh lịch, hào hoa xếp bút nghiên để cầm súng, chiến đấu bảo vệ Thủ đô yêu dấu trong ngày Toàn quốc kháng chiến… Qua một lăng kính khác, là cuộc đời, số phận những thanh niên Pháp buộc phải trở thành binh lính của đội quân xâm lược, tới Việt Nam, tới Hà Nội vào thời điểm khốc liệt của cuộc giao tranh.

ha_noi_mot_thoi_tuoi_tre_bia_1_tptl.png

“Hà Nội, một thời tuổi trẻ” là những kí ức không thể mờ phai được nhạc sĩ, nhà giáo Trần Văn Thụ kể lại với những người trẻ tuổi hôm nay…

Tác giả Trần Văn Thụ sinh năm 1928 tại Hà Nội, hiện sống tại TP.Hồ Chí Minh. Ông từng chia sẻ: “Tôi ra đi kháng chiến vừa lúc mười tám tuổi, khi ở vùng kháng chiến, khi ở vùng địch tạm chiếm nên được biết nhiều biến cố trong cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập của đất nước mình lúc bấy giờ. Những đóng góp của bạn bè cùng lứa tuổi tôi cho kháng chiến ngay trong lòng Hà Nội, dù nhỏ bé, nhưng vẫn in đậm trong tâm trí tôi và thôi thúc tôi viết cuốn truyện này để tưởng nhớ tới Hà Nội một thời khói lửa cùng một thời tuổi trẻ của lớp người chúng tôi ngày ấy.”

“Thương thế, ngày xưa…” gồm 19 tản văn của nhà văn Lê Minh Hà về những món ngon của Hà Nội trong kí ức của tác giả từ thời thơ bé, về một Hà Nội phố những năm 60-70 của thế kỉ trước. Nhà văn Lê Minh Hà sinh năm 1962 tại Hà Nội, từng dạy học 10 năm tại trường THP Đan Phượng và THPT Hà Nội - Amsterdam. Chị rời Việt Nam từ 1994. Hiện sống tại Berlin (Đức). 

Hà Nội trong trang viết của chị được khắc họa với “Những phố vắng từ ngày xưa, như những dòng sông đổ tới. Phố của hoa sấu êm ái một sắc xanh vàng, phố của những bầy chim se sẻ, phố của xe bò kéo than khổ ải, phố của những xe đẩy đồng dạng cửa hàng mậu dịch một thời. Xe hàng giải khát thành cao, còn thêm vạch trắng, cái ô màu sắc ít nhiều phơi phới. Xe rau cỏ chỉ một màu xanh lá sẫm sứt sẹo, ô màu xanh công nhân.”

Miên man triền kí ức tuổi thơ, những cơn gió lạnh bời bời, hơi mưa giăng nhẹ như sương, những tiếng rao chơi vơi 'kê...e...e...e', 'phớ', 'ai dày...' và ánh mắt đen láy của cô gái Hà thành nhỏ nhẻ bên bát bánh trôi Tàu nóng bỏng... Mỗi hương vị quà quê đượm bao nỗi nhớ niềm thương khắc khoải. Mỗi con chữ ý văn ngấu cả những cực nhọc, mỏi mong và khát khao thơ trẻ của một thời khốn khó. Có lẽ, tác giả xa quê đã nhiều năm nên kỉ niệm chắt lọc trở nên tinh quý. Nỗi nhớ cũng thăng hoa và giữ vẹn hương vị nguyên ủy của những thức quà quê thuở nào...

Đã từng nếm nhiều của ngon vật lạ khắp chốn, nhưng những thức quà quê trong kí ức Lê Minh Hà vẫn khiến chị cồn cào nhung nhớ. Nhớ cái hương vị của món ăn, nhớ một người thương hay nhớ một không gian nhuốm màu kí ức ta cũng chẳng rõ.../.