Sống động, phong phú, đó là ấn tượng đầu tiên mà những cây bút trẻ đang mang đến cho đời sống văn học nước nhà trong thời gian qua. Tuy vậy, dù đông đảo và giàu nội lực nhưng thành tựu của thế hệ nhà văn trẻ chỉ mới như những bước đi đầu tiên trong cả chặng đường dài, đích đến của văn học vẫn phải là những tác phẩm xứng tầm, có giá trị lâu bền với thời gian.

hnvvt_vov__9__many.jpg
Hơn 100 cây bút trẻ thuộc các lĩnh vực sáng tác và phê bình văn học đến từ các tỉnh thành trong cả nước dự Hội nghị Đại biểu những người Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 9.

Sinh năm 1991, tác giả trẻ Lê Văn Đồng (Bình Định) được biết đến là một người làm thơ tự do. Với một người trẻ thì đó là con đường không mấy dễ dàng. Thế nhưng thơ của Lê Văn Đồng, từng câu dù dài dù ngắn luôn có sự gắn kết về nhịp điệu, nhạc điệu và hơn hết vẫn luôn chuyển tải đến người đọc một thông điệp nào đó. Dù được nhiều người biết đến nhưng tới nay Lê Văn Đồng vẫn chưa xuất bản tập thơ nào cho riêng mình. Bởi với anh tìm đến thơ chỉ đơn giản là đi tìm câu trả lời cho mình về cuộc sống, với những chiêm nghiệm, suy tư của một người trẻ.

Nhà thơ Lê Văn Đồng chia sẻ: "Thơ của mình thực sự đứng được hay không đứng được, nó có thật sự là thơ hay không? Đó là điều quan trọng trong tôi. Để làm được điều đó, tôi không chỉ suy tư về những con chữ, suy tư về cách thức thể hiện mà điều cốt lõi với tôi cho đến tận bây giờ là nhìn vào cuộc sống, nhìn vào những thứ thuộc về bên trong nó qua những hiện tượng cuộc sống mình quan sát được. Và tôi cho rằng đó mới là điều sâu xa của thi ca chứ không phải câu chuyện cách tân hình thức hay không".

Các cây bút trẻ.

Trong nhịp sống vô cùng gấp gáp, để tìm được một tiếng nói riêng, độc đáo trong thơ ca hay thậm chí văn xuôi thật khó. Với những cây bút trẻ, tuy có người đã xuất bản đến năm, mười đầu sách nhưng để có thể điểm tên những tác phẩm có sức nặng thì lại không nhiều. Theo nhà văn Văn Thành Lê (TP.Hồ Chí Minh) thì khi nhìn vào lực lượng sáng tác trẻ, một mặt có thể thấy sự đông đảo, giàu nội lực nhưng mặt khác cần thẳng thắn và khiêm tốn nhìn nhận rằng tất cả mới dừng ở mức khởi động mà thôi. Tác giả trẻ bây giờ dễ công bố tác phẩm hơn trước, dễ trong việc tìm đường đến với người đọc nhưng cũng vì thế mà dễ vàng thau lẫn lộn bởi việc quảng bá một cách thái quá của truyền thông.

"Các bạn viết tuổi 8x,9x bây giờ đang viết, đang kể câu chuyện của chính các bạn, có sự đồng cảm với lứa học sinh, sinh viên. Vì thế nên nhiều khi lượng sách của họ bán chạy. Nhưng thực sự nó có phải là văn học hay không lại là một câu chuyện khác, chứ không phải bán bao nhiêu sách và có bao nhiêu độc giả sẽ quyết định đến chất lượng tác phẩm văn học", nhà văn Văn Thành Lê nói.

Nhà văn Văn Thành Lê.

Hiện nay, một số cây bút trẻ đang hồ hởi và lầm tưởng khi xem thứ văn – ăn – nhanh của mình là văn học. Nhiều khi, những tác phẩm ấy là sự pha trộn giữa truyện ngôn tình Trung Quốc với phim Hàn. Chưa bao giờ việc xuất bản sách đơn giản và nhẹ nhàng như thế. Và cũng chưa bao giờ, hình ảnh người viết được đẩy lên nhanh đến chóng mặt như bây giờ. Dẫu vậy, cần phân định rạch ròi hai yếu tố: khả năng sáng tạo của cá nhân nhà văn và sự đón đọc của độc giả cũng như quy luật của thị trường là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Mỗi người viết sẽ chọn cho mình một tâm thế và cách thức để đến với văn chương.

Nhà văn Văn Thành Lê chia sẻ: "Quan điểm của tôi đầu tiên là viết cho chính mình, chia sẻ những ẩn ức của mình. Còn sau đó chia sẻ với độc giả hay đi ra với bạn đọc như thế nào là câu chuyện sau. Văn chương đầu tiên là câu chuyện thỏa mãn cá nhân chứ không phải thỏa mãn đám đông. Thỏa mãn đám đông là cái sau. Cho nên, việc xác định tâm thế là tùy mỗi người viết, không thể có một công thức chung cho mọi người viết được.

Vì những lầm tưởng ấy mà không ít cây viết trẻ do mải mê tìm kiếm, xác lập cái mới cho riêng mình mà đôi khi bỏ qua những yêu cầu tối thiểu về thẩm mỹ và phẩm cách nghề nghiệp. Nhà phê bình văn học Văn Chinh cho rằng: cùng với những tương tác về kĩ thuật, phong cách mới của thế giới, các nhà văn trẻ cần kĩ lưỡng, cẩn thận hơn khi tiếp nhận hiện thực cuộc sống đương đại.

"Thơ của chúng ta có truyền thống cách tân nhưng tiểu thuyết thì không. Tiểu thuyết mới du nhập vào Việt Nam cách đây khoảng một vài trăm năm nên các nhà văn phải học các thi pháp và phương cách của nước ngoài là đúng. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là hiều sâu tâm lý người Việt bởi khi dựng họ lên thành nhân vật thì ta phải hiểu họ, nhà phê bình Văn Chinh chia sẻ.

Cần biết rằng, con đường sáng tạo thường đi từ chiều sâu của cá nhân đến với bề rộng của cộng đồng. Nhà văn có quyền tự khuất lấp khi thấy điều ấy cần thiết cho những cú bật xa tiếp theo của mình. Dẫu biết rằng có nhiều bạn đọc và được vinh danh là điều ai cũng mong muốn. Nhưng tiếc là chưa nhiều người viết văn trẻ sử dụng cái đặc quyền khuất lấp. Chưa nhiều người để ý rằng thầm lặng là mảnh đất của những cây cổ thụ./.